09:31 28/03/2021

Hưởng ứng "Giờ Trái đất", Việt Nam tiết kiệm bao nhiêu điện?

VŨ KHUÊ

Năm 2020, sau một giờ tắt đèn và giảm thiểu sử dụng các thiết bị điện trong Giờ Trái đất, Việt Nam tiết kiệm được 436.000kWh. Trong 12 năm tham gia sự kiện (kể từ tháng 3/2009), Việt Nam đã tiết kiệm được 5.273.000kWh

Tắt đèn, hưởng ứng Giờ trái đất.
Tắt đèn, hưởng ứng Giờ trái đất.

Từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút ngày 27/3/2021, hàng triệu người sống ở các thành phố khác nhau trên khắp hành tinh cùng tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết trong vòng một giờ - Giờ Trái đất.

Giờ Trái Đất năm 2021 với thông điệp "Lên tiếng vì Thiên nhiên" tập trung vào hai chủ đề: "Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính" và "Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên".

Đây là một trong những chiến dịch lớn nhất toàn cầu về môi trường. Hàng trăm triệu cá nhân, doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới cùng nâng cao nhận thức và hành động để giải quyết vấn đề cấp bách của toàn cầu. Đó là cuộc khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học và thiếu hụt các nguồn tài nguyên… diễn ra với tốc độ chưa từng có.

Những tác động của biến đổi khí hậu như thời tiết thất thường, khắc nghiệt, sự nóng lên của trái đất, đặc biệt là hiện tượng băng tan làm nước biển dâng đang và sẽ đe dọa trực tiếp tới nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu mực nước biển dâng cao 1m thì 90% diện tích của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập lụt hàng năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực và xã hội.

Chia sẻ về Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, năm nay là năm thứ 13 Việt Nam thực hiện chiến dịch Giờ trái đất dựa trên sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Rất đáng mừng, kể từ lần đầu tiên thực hiện chiến dịch Giờ trái đất tại Việt Nam chỉ có 6 tỉnh, thành phố tham gia, đến nay, sau nhiều năm thực hiện, chương trình đã thu hút được 63 tỉnh, thành trên cả nước hưởng ứng.

Với chủ đề "Lên tiếng vì thiên nhiên", năm nay Bộ Công Thương đồng hành cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các doanh nghiệp, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổ chức xã hội huy động toàn dân tăng cường ý thức bảo vệ môi trường. Qua các năm thực hiện, chương trình ngày càng thu hút đông đảo các tầng lớp, giới trẻ trong xã hội tham gia.

"Đây là một tín hiệu tốt để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp lớn cho việc chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu", ông An chia sẻ.

Nhằm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, lĩnh vực tái tạo ở nước ta hiện đang được đẩy mạnh và phát triển nhanh. Thực tế, đến nay chúng ta đã có trên 16 nghìn MW năng lượng mặt trời ở điện áp và xoay chiều phát lên lưới. Thuỷ điện nhỏ với quy mô hơn 3 nghìn MW. Sắp tới tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khác như điện gió, điện rác.

Tronh lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia về vấn đề này từ năm 2006. Trong vòng 10 năm, chương trình này đã giúp giảm được lượng tiêu thụ năng lượng hơn 16 triệu tấn dầu quy đổi. Gần đây, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Dự kiến, Chương trình sẽ giúp cho giảm việc tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn này từ 8-10%, tương đương với giảm 60-80 triệu tấn dầu quy đổi.

Để tiết kiệm năng lượng một cách hiệu quả nhất, giai đoạn vừa qua Bộ Công Thương đã ban hành nhiều Thông tư quy định về định mức tiêu thụ năng lượng cho các ngành công nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng như hoá chất, thép. Bộ này đã đặt mục tiêu từ nay đến 2025 sẽ rà soát, kiện toàn tất cả các định mức tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp trọng điểm. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, thay thế các công nghệ cũ lạc hậu bằng những công nghệ mới tiên tiến, tiết kiệm năng lượng hơn.

Cụ thể, Bộ Công Thương đang triển khai Dự án tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp Việt Nam, vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí 100 triệu USD. Đặc biệt, ngay trong năm 2021, được sự tài trợ của Quỹ khí hậu xanh thông qua Ngân hàng Thế giới, Bộ tiếp tục triển khai thêm dự án nữa, giúp thiết lập ra Quỹ bảo lãnh cho các khoản vay về đầu tư tiết kiệm năng lượng lên tới 75 triệu USD. Và cộng với các hỗ trợ kỹ thuật, ông Vũ hy vọng với các sáng kiến này Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.