Điều hành giá điện theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi
Đề xuất nghiên cứu xem xét xây dựng giá bậc thang 2 thành phần công suất và điện năng, xem xét thu phí cố định hàng tháng
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ kiên trì thực hiện việc điều hành giá điện theo đúng quy định tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, cũng như định hướng về vấn đề điều hành giá điện theo cơ chế thị trường định hướng tại Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Đó là thông tin được Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Tuấn công bố tại buổi họp báo thường kỳ về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức cuối tuần qua.
GIÁ ĐIỆN PHẢI PHÙ HỢP VỚI SỬ DỤNG
Ông Tuấn cho biết, hiện nay cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân đang được thực hiện theo Quyết định 24. Theo đó, giá bán lẻ điện sẽ được xây dựng phản ánh các yếu tố đầu vào, các chi phí cho toàn bộ chuỗi dây chuyền sản xuất cung ứng điện từ khâu truyền tải, phân phối, từ bán lẻ điện đến các khách hàng sử dụng điện, hiện nay Bộ Công Thương cũng đang tiếp tục chỉ đạo và điều hành giá điện theo đúng quy định tại Quyết định 24.
Đối với vấn đề xem xét cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg, ông Tuấn cho biết, trong năm 2020 Bộ Công Thương cũng đã nghiên cứu, xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện. Đề án này cũng đã được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương cũng như xin ý kiến rộng rãi của khách hàng sử dụng điện.
Trên cơ sở đánh giá, góp ý kiến của các đơn vị, của khách hàng sử dụng điện, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở báo cáo đó Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 28 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Hiện nay, Bộ Công Thương vẫn đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phục vụ cho các khách hàng sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh, hành chính sự nghiệp để đảm bảo phù hợp nhất với thực tế sử dụng điện của khách hàng. Sau khi hoàn chỉnh phương án này, Bộ Công Thương sẽ lại một lần nữa lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành và các đơn vị trước khi hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Vấn đề cơ chế giá cho điện mặt trời mái nhà cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Theo dự thảo mới đang được Bộ Công Thương hoàn thiện và chuẩn bị ban hành trong tháng 3 này, giá mua điện mặt trời mái nhà sẽ giảm mạnh chỉ còn 5,2 - 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án, mức giá này thấp hơn nhiều so với 8,38 cent/kWh tại Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/4/2020.
Lý giải về điều này, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Hoàng Tiến Dũng cho rằng, hiện chi phí thiết bị, chi phí sản xuất điện mặt trời mái nhà đã giảm do công nghệ sản xuất điện mặt trời đã tiên tiến hơn. Đồng thời hiệu suất của các tấm pin năng lượng mặt trời cũng được nâng cao, từ khoảng 16-17% lên mức 19-20%. Đây là cơ sở để tính toán giảm giá bán điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng với mức giảm 20-30% nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, người mua điện cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Nhà nước trong tiết kiệm chi phí đầu tư lưới điện truyền tải, phân phối.
Ông Dũng cho biết thêm, giá điện trong Quyết định 13 đã hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020, nên cần sớm ban hành cơ chế, chính sách mới cho phát triển điện mặt trời nói chung, trong đó có điện mặt trời mái nhà. Đối với điện mặt trời mái nhà, hiện Cục đang tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ tiếp tục áp dụng cơ chế biểu giá điện hỗ trợ (FIT)...
ĐỀ XUẤT GIÁ ĐIỆN BẬC THANG HAI THÀNH PHẦN
Hiện đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đang được Bộ Công Thương hoàn chỉnh và sẽ sớm trình Chính phủ thông qua trong thời gian tới. Điểm đáng chú ý trong quy hoạch này là Bộ Công Thương đề xuất xây dựng giá điện bậc thang 2 thành phần công suất và điện năng, giá điện được điều chỉnh theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi.
Qua phân tích biểu giá điện hiện trạng của Việt Nam và một số nước trong khu vực, Bộ Công Thương nhận thấy biểu giá điện của một số nước có nhiều điểm tiến bộ hơn Việt Nam. Theo đó, giá điện minh bạch, rõ ràng theo từng khâu phát, truyền tải, phân phối và bán lẻ, các chính sách hỗ trợ cũng rõ ràng.
Các nước trong khu vực đều áp dụng biểu giá bán lẻ theo cấp điện áp, thời gian cao điểm - thấp điểm, theo bậc thang và phân theo các ngành kinh tế. Biểu giá điện thậm chí cũng được phân chia nhỏ để áp dụng riêng với từng ngành nghề kinh doanh đặc thù, các mức công suất tiêu thụ, các giờ sử dụng... Đây là những điểm chưa có trong biểu giá bán lẻ điện hiện hành của Việt Nam và cũng là những nội dung đã từng được nhiều chuyên gia lên tiếng góp ý trong những lần lấy ý kiến về biểu giá điện trước đây.
Tại dự thảo lần này, Bộ Công Thương định hướng xây dựng biểu giá điện bậc thang vẫn là hợp lý nhất để đáp ứng các nguyên tắc cần thiết và phù hợp với đặc điểm của sản xuất, kinh doanh điện, thị trường điện và các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Đáng lưu ý, biểu giá điện phải theo hướng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, không quá nhiều bậc thang... Từ đó, dự thảo đề xuất nghiên cứu xem xét xây dựng giá bậc thang 2 thành phần công suất và điện năng, xem xét thu phí cố định hàng tháng.
Cụ thể, giá điện điều chỉnh theo quý khi chi phí nhiên liệu thay đổi, có hệ số giảm giá khi dùng ít điện, không bù chéo giữa các nhóm khách hàng lớn, tách bạch chi phí dịch vụ hỗ trợ thị trường, chi phí vận hành hệ thống và quản trị thị trường... Nguyên tắc xây dựng biểu giá điện phải bảo đảm bù đắp chi phí và có lãi ở mức hợp lý cho ngành điện để tiếp tục có nguồn đầu tư.
Đánh giá nội dung nêu trên tại bản dự thảo là khá tiến bộ, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi cho rằng, việc điều chỉnh biểu giá điện và rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện xuống theo quý là hoàn toàn khả thi. Bởi lẽ, hiện chi phí, giá thành điện đã được tính toán theo tháng một cách dễ dàng. Hạ tầng, công nghệ cũng đang ngày càng được nâng cao để đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh giá điện theo sát với biến động chi phí của thị trường hơn. Cùng với đó, về dài hạn, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được hình thành, việc điều chỉnh giá điện với tần suất thời gian hẹp hơn là phù hợp với xu thế cũng như định hướng chung.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận của một số chuyên gia, vấn đề điều hành giá điện cần được xem xét thấu đáo. Bởi nhu cầu vốn đầu tư cho ngành này luôn ở mức cao trong khi hiệu quả kinh doanh của ngành rất thấp. Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam cần có lộ trình tăng giá bán điện lên 10-11 cent/kWh để bảo đảm hiệu quả đầu tư cho các công trình điện. Nhưng việc thực hiện lộ trình này luôn bị phá sản do gặp phải dư luận phản đối của người tiêu dùng trước mỗi kỳ đưa ra đề án tăng giá điện.
Ngoài ra, dự thảo đã không đưa ra các tính toán cân đối cụ thể nào, ít nhất là những con số mà bản thân ngành điện có thể đảm nhận được từ nguồn lợi nhuận và khấu hao hàng năm để thấy được tính cấp thiết phải huy động từ nguồn xã hội hóa bởi điều này liên quan đến chính sách điều hành giá điện, nói cách khác là áp lực tăng giá điện trong tương lai.
BIỂU GIÁ ĐIỆN CỦA CÁC NƯỚC
Thái Lan được phân theo công suất tiêu thụ, mức điện áp, công suất tiêu thụ, bậc thang và biểu giá cho các ngành. Đối với các ngành được chia theo mức công suất tiêu thụ nhỏ hơn 30kW, từ 30kW đến 1.000kW và trên 1.000kW và các ngành đặc thù như nhà nghỉ, khách sạn, tổ chức phi chính phủ và tưới tiêu cho nông nghiệp sẽ có biểu giá riêng.
Hồng Kông (Trung Quốc), đối với sinh hoạt giá điện được chia làm 7 bậc và các ngành khác thì chia 4 bậc. Bậc 1 được tính cho mức tiêu thụ 150kWh đầu tiên. Bậc 7 tính cho mức tiêu thụ từ 1.500kWh trở lên trong tháng...
Malaysia chia thành 6 bậc thang theo các mức 200kW đầu tiên, kW 201 đến 300, kW 301 đến 600, kW 601 đến 900, từ 901kW trở lên.
Hàn Quốc, giá bán điện được xây dựng cho các ngành như công nghiệp, giáo dục, nông nghiệp, chiếu sáng công cộng, dân cư và mức riêng cho khách hàng ngoài 4 ngành trên nếu nhu cầu điện từ 4kW đến 300kW.