09:01 26/03/2007

Huy động vốn: Chứng khoán tăng, ngân hàng giảm

Minh Đức

Chứng khoán là nguyên nhân khiến hoạt động huy động vốn của ngân hàng có thể bị sụt giảm mạnh trong năm nay

Đối với nhiều nhà đầu tư, lợi nhuận thu về từ chứng khoán có thể nhanh chóng vượt xa mức lãi của tiền gửi tiết kiệm ngân hàng - Ảnh: Việt Tuấn.
Đối với nhiều nhà đầu tư, lợi nhuận thu về từ chứng khoán có thể nhanh chóng vượt xa mức lãi của tiền gửi tiết kiệm ngân hàng - Ảnh: Việt Tuấn.
Chứng khoán đang ngày càng cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại.

Dù tránh đề cập nhưng có một thực tế mà lãnh đạo các ngân hàng phải thừa nhận là lượng vốn huy động đang sụt giảm trước sự phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán.

Hoạt động huy động vốn và cho vay đang chiếm khoảng 60%, cá biệt lên tới 90%, tỷ trọng lợi nhuận của các ngân hàng thương mại. Con số này đang đứng trước sự chia sẻ lớn từ sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Chuyển dịch tỷ trọng này và ứng phó với sự chia sẻ trên đang là vấn đề đau đầu của hầu hết các ngân hàng hiện nay.

Khi chứng khoán đại chúng hơn

Một ngày đẹp trời đầu tháng 3, bốn anh em ở tận Bà Rịa - Vũng Tàu gom tiền phóng xe lên Tp.HCM mở tài khoản và “đánh” chứng khoán.

Số tiền mỗi người tích cóp từ vài trăm triệu đến gần tỷ đồng từ nghề nương rẫy bao năm được rút khỏi ngân hàng và vay mượn thêm để chuyển đến Công ty chứng khoán Thăng Long. Thắng thua chưa biết nhưng cả bốn anh em đều tin rằng khả năng sinh lời của những đồng vốn đó sẽ lớn hơn nhiều thay vì gửi tiết kiệm.

Quyết định lên phố buôn chứng khoán của bốn anh em nọ là một điển hình cho sự chuyển dịch của các dòng vốn hiện nay, cả về đối tượng, địa lý và tính chất.

Đây cũng là điển hình cho tính đại chúng của thị trường chứng khoán, đặc biệt mở rộng từ đầu năm đến nay, khi đầu tư chứng khoán không còn bó hẹp ở những đối tượng công chức, những người có thu nhập cao nữa; những người dân bình thường, có một khoản tiền tích lũy vừa phải hoặc với hạn mức khoản vay tiêu dùng tại các ngân hàng cũng có thể tham gia.

Và với khoản đầu tư ở mức độ đó, lợi nhuận thu về có thể nhanh chóng vượt xa mức lãi của tiền gửi tiết kiệm. Thực tế này đang dẫn đến sự quá tải tại các sàn giao dịch và buộc một số công ty chứng khoán phải có biện pháp sàng lọc trong khi các ngân hàng lại phải ra sức níu giữ khách hàng ở lại với mình.

Dù tránh đề cập nhưng lãnh đạo các ngân hàng thương mại đều thừa nhận rằng tính đại chúng và sự hấp dẫn của chứng khoán đang là nguyên nhân trực tiếp nhất khiến hoạt động huy động vốn của họ bị ngưng trệ, thậm chí sẽ giảm mạnh trong năm nay.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), nếu xét riêng lượng tiền gửi từ dân cư thì sự sụt giảm đã bắt đầu thể hiện. Tuy thị trường chứng khoán chưa vươn tới các địa bàn tỉnh lẻ, nhưng huy động của ngân hàng lại tập trung chủ yếu tại hai đầu cầu chính là Hà Nội và Tp.HCM nên sự sụt giảm đó có ảnh hưởng lớn và thực sự là một lo ngại.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) cũng thừa nhận: “Rõ ràng, sức hút của thị trường chứng khoán lên các doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân đang gây một ảnh hưởng không nhỏ đối với nguồn vốn ngắn hạn và cả trung hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Chứng khoán càng phát triển, càng hấp dẫn thì người dân sẽ sao nhãng việc đem tiền đi gửi tiết kiệm, các ngân hàng phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các kênh huy động vốn của thị trường vốn này”.

Dòng vốn năng động

Trong hai tuần qua, thị trường chứng khoán chứng kiến những phiên điều chỉnh mạnh và kéo dài. Chính trong môi trường đó, dòng vốn trên thị trường trở nên năng động, trái với tính ổn định trong các khoản tiền gửi có kỳ hạn ở ngân hàng thương mại.

Đầu năm 2007, một lượng tiền lớn từ các ngân hàng được rút ra để đổ vào chứng khoán. Nhưng trong các ngày 14 và 15/3, khi giá cổ phiếu đồng loạt giảm mạnh trên thị trường niêm yết, chỉ số VN-Index giảm hơn 100 điểm qua 3 phiên, thì một lượng tiền lớn lại trở về tài khoản ở ngân hàng.

Ghi nhận tại một số ngân hàng cho thấy giao dịch gửi tiền tăng đột biến trong hai ngày này, tập trung ở loại hình tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất từ 0,2 – 0,35%/tháng.

Lo ngại trước một đợt điều chỉnh lớn và kéo dài, nhiều nhà đầu tư đã đồng loạt bán ra, thu tiền về tạm “trú chân” tại các ngân hàng thương mại; nguồn vốn vừa được bảo toàn vừa được hưởng lãi.

Một số nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường vàng khi có sự trùng hợp ngẫu nhiên, giá vàng giảm ở mức thấp để có thể mua vào. Một số nhà đầu tư cũ có vốn lớn lại xác định đây là thời điểm bão hòa lợi nhuận và quyết định chuyển vốn sang bất động sản.

Chính sự dịch chuyển đó đã tạo nên không khí sôi động nhất thời trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng, tạo nên những khoản lợi nhuận đáng kể khi giá vàng tăng nhanh trên 10 USD/ounce sau đó và cũng góp phần tạo nên sự ấm lên của thị trường bất động sản trong những ngày qua. Nhưng hơn hết, đồng tiền trong tay nhà đầu tư trở nên năng động và chuyên nghiệp hơn.

Trước sự năng động đó, ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng ngoài quốc doanh (VPBank), cho rằng các ngân hàng phải chấp nhận cuộc chơi và buộc phải có những điều chỉnh trong hoạt động; đặc biệt là trong cơ cấu lợi nhuận. Lãi suất của các ngân hàng sẽ tiếp tục tăng để hấp dẫn tiền gửi, thực tế là đã có hai đợt tăng khá phổ biến kể từ đầu năm. Mặt khác, tăng cường đầu tư cho dịch vụ, phát triển mạnh ngân hàng bán lẻ cũng là một giải pháp và là xu hướng.

Ông Sơn kỳ vọng rằng sự tăng cường đó sẽ mang lại một tỷ trọng mới trong lợi nhuận của ngành ngân hàng trong năm nay, 60% từ huy động - cho vay và 40% từ phí dịch vụ.

Và trong một hướng đi khác, theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Sacombank, các ngân hàng hiện nay đang đứng trước một cuộc đua mới: mở chi nhánh mới tại các địa bàn tỉnh lẻ để nhanh chóng chiếm thị phần, thu hút nguồn vốn những nơi mà thị trường chứng khoán chưa vươn tới để bù đắp lại sự dịch chuyển tại các địa bàn trọng điểm.