09:45 07/12/2011

Hy Lạp buộc phải cắt giảm nghiệt ngã chi tiêu

Diệp Anh

Sáng sớm nay (7/12), Quốc hội Hy Lạp đã thông qua ngân sách khắc khổ với các mục tiêu cắt giảm nghiệt ngã

Nợ công ở châu Âu được coi là mối nguy hiểm lớn nhất hiện nay, chặn đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Nợ công ở châu Âu được coi là mối nguy hiểm lớn nhất hiện nay, chặn đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Sáng sớm nay (7/12), Quốc hội Hy Lạp đã thông qua ngân sách khắc khổ với các mục tiêu cắt giảm nghiệt ngã, trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn phải khống chế cuộc khủng hoảng nợ đang có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.

Đa số tuyệt đối các nghị sĩ của đảng xã hội, bảo thủ và dân tộc cực hữu đã ủng hộ Chính phủ lâm thời của Hy Lạp thông qua ngân sách nói trên, cam kết thực hiện những biện pháp cắt giảm mạnh mẽ, cho dù không được lòng dân để đổi lấy khoản vay mới.

Theo phát ngôn viên của Quốc hội Hy Lạp Filippos Petsalnikos, 299 trong tổng số 300 nghị sĩ đã bỏ phiếu thông qua dự toán ngân sách 2012. Kết quả kiểm phiếu cho thấy, số phiếu thuận đạt tới 258, trong khi chỉ có 41 phiếu bày tỏ sự không đồng tình.

Hiện chi tiết bản dự toán ngân sách 2012 của Hy Lạp vẫn chưa được công bố. Song tin tức hôm qua cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nhất trí phê duyệt gói tài chính 2,2 tỷ Euro cho Hy Lạp với lý do nước này đã có tiến bộ đáng kể trong cải cách tài chính.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định, Hy Lạp có những thành tựu đáng kể trong hệ thống tín dụng, bao gồm cả giảm thâm hụt tài chính lớn. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn với các cải cách cơ cấu tiến hành chậm, triển vọng trung hạn có thể bị ảnh hưởng.

Bà Christine Lagarde cho rằng, Chính phủ Hy Lạp cần có biện pháp quản lý mạnh mẽ và ổn định hơn để thực thi chương trình "thắt lưng buộc bụng". Đây là cách tốt nhất để giúp Hy Lạp kiểm soát được rủi ro hiện đang phải đối mặt.

Nữ Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng nhấn mạnh, việc tái cơ cấu nợ công của Hy Lạp thông qua các ngân hàng tư nhân nhằm tiết kiệm cho quốc gia này 100 tỷ Euro là một biện pháp thiết yếu để ổn định nền kinh tế của Athens.

Như vậy, tổng số tiền cứu trợ mà Hy Lạp nhận được được từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu hiện đã lên tới 20,3 tỷ Euro. Trước đó, hôm 29/11, các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro đã đồng ý giải ngân 5,8 tỷ Euro cho Hy Lạp.

Hôm 5/12, phát biểu tại Athens, Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden cho biết, việc Hy Lạp, với sự giúp đỡ của các đối tác, thoát khỏi được cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với Mỹ, và Washington sẽ hỗ trợ Athens.

Ông Biden nhấn mạnh, Mỹ hiện là cổ đông lớn nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Vì vậy, việc Hy Lạp thoát khỏi được cuộc khủng hoảng hiện nay và vẫn là thành viên mạnh và quan trọng của Liên minh châu Âu rõ ràng phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Theo ông, Hy Lạp hiện đang ở trong tình thế "nước sôi lửa bỏng" vì phải thực hiện những yêu cầu "cứng rắn" của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, song nhấn mạnh Washington sẵn sàng giúp đỡ nước này bằng mọi cách có thể.

Về phần mình, Thủ tướng Papademos nhấn mạnh rằng, khủng hoảng nợ công hiện nay đã vượt ra ngoài biên giới Hy Lạp và châu Âu, vì vậy sự hỗ trợ của Mỹ dành cho nước này là rất quan trọng. Ông hy vọng, Athens tiếp tục nhận được hỗ trợ từ Washington.

Trong một diễn biến khác, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) mới đây đã công bố bảng xếp hạng về tham nhũng toàn cầu cho thấy, Italy và Hy Lạp là hai nước có chỉ số tham nhũng cao nhất trong số các quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Cụ thể, theo số liệu trong bảng xếp hạng "Chỉ số tham nhũng" (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Italy đứng ở vị trí thứ 69 và Hy Lạp đứng ở vị trí 80. Cả hai nước đều tụt hạng so với vị trí 67 và 78 trong bảng xếp hạng của tổ chức này công bố năm 2010.