IMF: Rủi ro tài chính tăng lên, các quốc gia nên cẩn trọng
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 26/3 cảnh báo rủi ro đối với ổn định tài chính toàn cầu đã tăng lên và kêu gọi các quốc gia tăng cường cảnh giác sau những biến động gần đây trong hệ thống ngân hàng ở các nền kinh tế phát triển...
Phát biểu tại một sự kiện ở Bắc Kinh, Trung Quốc, bà Georgieva nói rằng những bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu vẫn đang ở mức “cao bất thường”, với tăng trưởng kinh tế thế giới được cho là sẽ giảm dưới mức 3% trong năm nay do ảnh hưởng của chiến tranh ở Ukraine, “vết sẹo” do đại dịch Covid-19 để lại và chính sách tiền tệ thắt chặt.
“Rủi ro đối với ổn định tài chính đã tăng lên vào đúng lúc mức nợ cao hơn”, tờ Financial Times dẫn lời người đứng đầu IMF tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) - nơi hội tụ giới lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc.
“Sự chuyển đổi nhanh chóng từ một thời kỳ lãi suất thấp kéo dài sang lãi suất cao hơn nhiều - việc cần thiết để chống lạm phát - tất yếu tạo ra sức ép và những điểm dễ tổn thương, như chúng ta đã chứng kiến trong những diễn biến gần đây trong ngành ngân hàng”, bà Georgieva nói.
Hệ thống tài chính toàn cầu mới đây đã rung chuyển vì sự sụp đổ liên tiếp của ba ngân hàng cỡ trung gồm Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank của Mỹ, kế đến là vụ ngân hàng Credit Suisse của Thuỵ Sỹ được đối thủ đồng hương lớn hơn UBS mua lại theo sự sắp đặt của Chính phủ nước này nhằm chặn đứng một cuộc khủng hoảng bùng lên ở châu Âu.
Hôm thứ Sáu vừa rồi, cổ phiếu ngân hàng lại bị bán mạnh ở Mỹ và châu Âu, với tâm điểm chú ý hướng đến Deutsche Bank sau khi giá hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng Đức này tăng mạnh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz phải lên tiếng trấn an rằng “không có lý do gì” để lo lắng về Deutsche Bank.
“Chúng ta đã chứng kiến các nhà hoạch định chính sách hành động quyết đoán để phản ứng với mối nguy ổn định tài chính, và chúng ta đã chứng kiến ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển phối hợp để tăng thanh khoản USD cho thị trường. Những hành động này đã giảm bớt sức ép trên thị trường, nhưng mức độ bấp bênh vẫn còn lớn và cho thấy tầm quan trọng của sự cảnh giác”, Tổng giám đốc IMF nói.
Hồi tháng 1 vừa qua, định chế có trụ sở ở Washington DC này dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm còn 2,9% trong năm nay từ mức. 3,4% trong năm ngoái, trước khi tăng lên mức 3,1% trong năm 2024. “Ngay cả khi triển vọng của năm 2024 tốt hơn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn sẽ thấp hơn mức bình quân 3,8% của thập kỷ qua”, bà Georgieva nói tại diễn đàn.
Phát biểu của bà Georgieva trong lần xuất hiện này tương tự như cảnh báo mà các diễn ra khác đưa ra tại sự kiện về mối nguy đến từ việc thế giới phân rã thành các khối kinh tế khác nhau. Bà nói rằng sự phân tán này là “chia rẽ nguy hiểm khiến cho mọi người nghèo đi và kém an toàn hơn”.
Diễn biến tích cực nhất của kinh tế thế giới trong năm nay là sự khởi sắc được kỳ vọng của Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào cuối năm ngoái - bà Georgieva nhấn mạnh. IMF dự báo Trung Quốc đạt tăng trưởng kinh tế 5,2% trong năm nay, so với mức tăng 3% của năm ngoái.
Bà nói rằng năm nay, Trung Quốc sẽ chiếm khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Cứ mỗi điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn tới 0,3 điểm phần trăm tăng trưởng ở các nền kinh tế châu Á khác”, bà nói.
Bài phát biểu của bà Georgieva kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc nỗ lực để tăng năng suất lao động và tái cân bằng nền kinh tế bằng cách dịch chuyển khỏi đầu tư và chuyển hướng sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, một mô hình được cho là bền vững hơn. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc cần thực hiện các cải cách theo hướng thị trường để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nàh nước và tư nhân.
Theo ước tính của bà Georgieva, những cải cách như vậy có thể đưa GDP của Trung Quốc tăng thêm 2,5% trong thời gian từ nay đến năm 2027 và thêm 18% trong thời gian đến năm 2037. Bà cho rằng việc tái cân bằng nền kinh tế cũng sẽ giúp Bắc Kinh đạt được các mục tiêu về khí hậu, vì việc chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu dùng sẽ giảm bớt nhu cầu năng lượng, giảm khí thải, và giảm bớt sức ép về an ninh năng lượng.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu đã dự diễn đàn ở Bắc Kinh, bất chấp căng thẳng thương mại và địa chính trị gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong số các diễn giả phát biểu tại diễn đàn còn có ông Tharman Shanmugaratnam - người đứng đầu Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS), tức ngân hàng trung ương của đảo quốc sự tử. Ông Tharman nói những thách thức kinh tế toàn cầu hiện nay mới chỉ là “hậu quả ban đầu” của sự bất ổn gây ra bởi một thời gian dài lãi suất thấp và thực âm ở các nền kinh tế phát triển.
Ông gọi thời kỳ chính sách tiền tệ dễ dãi kéo dài là “sai lầm lớn nhất của chính sách kinh tế vĩ mô trong 70 năm qua”, đồng thời kêu gọi hợp tác cũng như cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. “Việc Mỹ và Trung Quốc có thể kết hợp ra sao giữa cạnh tranh kinh tế với nhu cầu hợp tác sẽ đòi hỏi tham vọng chiến lược lớn và cả kỹ năng chiến lược”, ông Tharman nói.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liu Kin nói tình hình thế giới đang phức tạp, với “những thay đổi chưa từng có tiền lệ đang diễn ra” bao gồm căng thẳng chính trị gia tăng, nhưng không nói cụ thể là gì. Ông Liu nói Trung Quốc năm nay sẽ tăng chi tiêu tài khoá ở mức độ vừa phải để hỗ trợ nền kinh tế.