Iran có nguy cơ bị Liên hiệp quốc tái áp trừng phạt
Anh, Pháp và Đức ngày 14/11 chính thức cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký vào năm 2015
Anh, Pháp và Đức ngày 14/11 chính thức cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận ký vào năm 2015 nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran. Theo hãng tin Reuters, động thái của ba cường quốc châu Âu có thể dẫn tới việc tái áp các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc mà Tehran đã được dỡ theo thỏa thuận này.
London, Paris và Berlin nói rằng họ đang hành động nhằm tránh một cuộc khủng hoảng phổ biến hạt nhân trong lúc căng thẳng đã tăng cao ở khu vực Trung Đông. Ba nước đã kích hoạt cơ chế tranh chấp của thỏa thuận, đồng nghĩa với cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của thỏa thuận.
Nga, một thành viên khác của thỏa thuận hạt nhan Iran, nói rằng không có cơ sở nào để kích hoạt cơ chế này, còn Tehran thì nói động thái của ba nước châu Âu là một "sai lầm chiến lược".
Thỏa thuận hạt nhân Iran có sự tham gia của 6 cường quốc, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ lên Iran, cho rằng đây là một thỏa thuận tồi và muốn tìm kiếm một thỏa thuận tốt hơn cho Washington.
Sau khi Mỹ rút lui, các nước còn lại tiếp tục duy trì thỏa thuận với Iran cho tới hiện nay. Anh, Pháp và Đức nói họ vẫn muốn thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt tới thành công và ba nước sẽ không tham gia vào chiến dịch "gây sức ép tối đa" lên Iran mà Mỹ đang theo đuổi.
Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã leo thang mạnh kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp trừng phạt lên Iran.
Ba nước châu Âu ra sức giữ thỏa thuận bằng cách thuyết phục Iran rằng họ sẽ tìm được cách để Iran hưởng các lợi ích kinh tế từ thỏa thuận. Tuy nhiên, Iran tỏ ra mất kiên nhẫn khi châu Âu không thực thi được lời hứa này, trong khi lệnh trừng phạt của Mỹ khiến nền kinh tế nước này chìm sâu vào suy thoái.
Gần đây, Iran và Mỹ thiếu chút nữa rơi vào một cuộc xung đột quân sự trực tiếp ở Trung Đông, sau khi Mỹ không kích chết một vị tướng Iran và Tehran đáp trả bằng cuộc tấn công tên lửa vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq. Tuy nhiên, tình hình đã dịu đi sau khi cả hai bên đều phát tín hiệu không muốn đẩy căng thẳng lên cao hơn.
Luôn phủ nhận mục tiêu chương trình hạt nhân của mình là tạo ra vũ khí, Iran đã giảm dần cam kết trong thỏa thuận hạt nhân kể từ khi Mỹ rút lui, bao gồm nâng cấp độ làm giàu hạt nhân, tăng tích trữ hạt nhân đã được làm giàu. Tehran nói việc Mỹ rút lui là cơ sở để họ cắt giảm cam kết.
"Chúng tôi không chấp nhận lập luận của Iran rằng họ được quyền giảm tuân thủ thỏa thuận hạt nhân", 3 nước châu Âu nói trong một tuyên bố ngày 14/1.
"Việc sử dụng cơ chế tranh chấp là không có căn cứ pháp lý và là một sai lầm chiến lược trên phương diện chính trị", Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đáp trả trên mạng xã hội Twitter.
Người phát ngôn Abbas Mousavi của Bộ Ngoại giao Iran cáo buộc ba nước châu Âu "hoàn toàn bị động" trong việc bảo vệ nền kinh tế Iran khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo việc kích hoạt cơ chế tranh chấp của thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ khiến không thể nối lại việc thực thi thỏa thuận.
Trong một tuyên bố thể hiện đồng quan điểm với ông Trump trong vấn đề hạt nhân Iran, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 14/1 nói: "Nếu chúng ta định hủy thỏa thuận này, thì hãy thay thế thỏa thuận, thay thế bằng thỏa thuận của ông Trump.
Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Iran, ông Brian Hook, nói Washington "rất hai lòng" về phát biểu này của ông Johnson.
Tại Jerusalem, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói nước này sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và kêu gọi các nước phương Tây tái áp các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc lên Tehran.
"Chúng tôi biết đích xác điều gì đang xảy ra với chương trình hạt nhân Iran. Iran cho rằng họ có thể đạt được vũ khí hạt nhân. Tôi xin nhắc lại: Israel sẽ không cho phép Iran có vũ khí hạt nhân", ông Netanyahu nói.