16:19 06/09/2021

Israel tái bùng dịch dù tiêm vaccine "thần tốc", bài học thích nghi với Covid-19 cho châu Á?

Hoài Thu

Theo các chuyên gia, trong tương lai các nước sẽ phải học cách kiểm soát các đợt bùng dịch mà không phải đóng cửa nền kinh tế...

Số ca nhiễm Covid-19 tại Israel tăng kỷ lục giữa lúc các hoạt động kinh tế được khôi phục gần như bình thường - Ảnh: Jerusalem Post
Số ca nhiễm Covid-19 tại Israel tăng kỷ lục giữa lúc các hoạt động kinh tế được khôi phục gần như bình thường - Ảnh: Jerusalem Post

Theo một bài phân tích mới đây trên tờ Nikkei Asia, việc dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát tại Israel – quốc gia nằm trong nhóm có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới – làm dấy lên quan ngại về một cuộc chiến chống đại dịch không có hồi hết. Tuy nhiên, các chuyên gia Israel cũng như châu Á đã rút ra nhiều bài học từ tình hình ở Israel và "thổi bùng" những kỳ vọng về việc học cách sống chung với Covid-19.

CHẤP NHẬN SỐ CA NHIỄM TĂNG

Ngày 1/9, Israel ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 kỷ lục với 11.187 ca. Đây là kết quả của việc xét nghiệm quyết liệt hơn, nhưng là con số đáng kinh ngạc ở một quốc gia có hơn 60% dân số đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNtech và số ca nhiễm ở mức một con số mỗi ngày vào tháng 6. Theo Bộ Y tế Israel, những người chưa tiêm vaccine chiếm khoảng hơn 6.000 ca nhiễm mới, nhưng có tới hơn 4.000 ca là người đã tiêm vaccine đầy đủ.

Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới khuyến nghị tiêm mũi vaccine nhắc lại cho tất cả người dân trên 12 tuổi. Điều này làm thay đổi ý nghĩa của cụm từ “được tiêm vaccine đầy đủ”.

Tuy nhiên, đánh giá tình hình hiện tại, Giáo sư Eyal Leshem của Trung tâm Y tế Sheba, Israel tỏ ra lạc quan.

"Tất cả điều này xảy ra trong bối cảnh Israel đã khôi phục các hoạt động ở mức gần như bình thường”, ông Leshem, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nói khi so sánh làn sóng dịch bệnh hiện tại ở Israel với đợt bùng dịch khiến chính phủ phải áp dụng biện pháp phong tỏa hồi tháng 1. "Dù trẻ em vẫn chưa đến trường, các hoạt động thương mại và sự kiện vẫn diễn ra. Biện pháp hạn chế nghiêm ngặt duy nhất hiện tại là đeo khẩu trang ở không gian kín”.

Theo ông Leshem, dù không tạm dừng hoạt động kinh tế, số ca Covid-19 nặng tại Israel vẫn được duy trì ở mức dưới 1.100 ca hồi tháng 1. Dữ liệu mới nhất từ Bộ Y tế nước này cho thấy số ca bệnh nặng mới đã giảm từ 752 hôm ngày 29/8 xuống còn 673 ca hôm 2/9. Số trường hợp tử vong mỗi ngày là khoảng 20-30 ca, chưa bằng một nửa so với cao điểm tháng 1.

"Chúng ta đã được bảo vệ tốt nhờ tiêm hai liều vaccine”, Giáo sư Leshem nhấn mạnh. "Khi nhìn vào tỷ lệ lây nhiễm - không phải các con số tuyệt đối mà là tỷ lệ - chúng ta có thể thấy rằng tỷ lệ ca bệnh nặng ở nhóm người chưa tiêm vaccine là gần 300 trên 100.000 ca. Còn tỷ lệ này là người đã tiêm vaccine là 19 trên 100.000 ca, chủ yếu ở người trên 60 tuổi”.

Đồng quan điểm, Giáo sư Paul Tambyah, Chủ tịch Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Truyền nhiễm Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore, cho rằng những gì đang diễn ra tại Israel củng cố thêm cho quan điểm rằng lựa chọn duy nhất là “sống chung” với Covid-19. Số ca nhiễm mỗi ngày tại Singapore đang tiến dần tới 200, tăng từ mức 1 con số khoảng hai tháng trước.

"Dù các con số tại Israel ở mức cao, số ca bệnh nặng và tử vong vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với các đợt bùng dịch trước chiến dịch tiêm chủng”, ông Tambyah nói với Nikkei Asia.

Dù nhấn mạnh Israel khác biệt với Singapore về nhân khẩu học và có một tỷ lệ đáng kể người không muốn tiêm vaccine, Giáo sư Tambyah cho rằng “chúng ta phải chấp nhận việc có thêm số ca nhiễm, miễn là không có sự gia tăng tương ứng về số ca bệnh nặng và tử vong”.

HỌC CÁCH KIỂM SOÁT DỊCH MÀ KHÔNG PHẢI ĐÓNG CỬA NỀN KINH TẾ

Cả Giáo sư Leshem và Giáo sư Tambyah đều cho rằng trong tương lai các nước sẽ phải học cách kiểm soát các đợt bùng dịch mà không phải đóng cửa nền kinh tế.

"Điều cần lưu ý là khi biến thể Delta lây lan trong cộng đồng, số ca nhiễm sẽ tăng dù dân số có tỷ lệ tiêm vaccie cao”, ông Leshem nói. “Khi điều đó xảy ra, việc kết hợp tiêm vaccine, tăng cường hệ miễn dịch, công tác truyền thông đáng tin cậy của chính quyền và trách nhiệm của cộng đồng sẽ giúp các quốc gia hoạt động ở mức tương đối bình thường giữa dịch bệnh”.

Còn ông Tambyah gọi việc cố gắng loại bỏ hoàn toàn Covid-19 là “vô ích” và cho biết Singapore đã có những bước đầu tiên tiên tới việc sống chung với Covid-19 hồi tháng 6, khi một đăng tải từ tổ công tác đặc biệt chống Covid-19 của Singapore trên tờ Straits Times với tiêu đề “Sống bình thường với Covid-19”. Bài viết này nhiều lần đề cập tới tình hình ở Israel.

“Chúng ta nên tập trung bảo vệ những người dễ bị tổn thương, giám sát các nhóm lớn hơn, đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, đảm bảo hoạt động của hệ thống y tế và duy trì sức khỏe thể chất, tinh thần và đời sống xã hội của người dân”, ông Tambyah nói.

Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là, nếu như việc tiêm hai mũi vaccine có thể đạt được những kết quả như vậy, tại sao Israel cũng như nhiều quốc gia khác lại gấp rút triển khai tiêm mũi thứ ba cho người dân?

Tiêm vaccine Covid-19 tại Jerusalem, Israel vào giữa tháng 8/2021 - Ảnh: Reuters
Tiêm vaccine Covid-19 tại Jerusalem, Israel vào giữa tháng 8/2021 - Ảnh: Reuters

Theo lý giải của Giáo sư Leshem, chính phủ Israel hiểu rõ rằng biến thể Covid-19 Delta có khả năng lây nhiễm mạnh, do đó nếu biến thể này lây lan cho cả những người đã được tiêm vaccine đầy đủ, sẽ vẫn có một số lượng lớn những “bệnh nhân đã tiêm vaccine đầy đủ phải nhập viện” .

Củng cố thêm cho mối lo này là một nghiên cứu mới đây của các chuyên gia nổi tiếng Israel cho thấy rằng “có sự suy giảm về khả năng miễn dịch ở tất cả nhóm tuổi” 6 tháng sau khi tiêm vaccine Covid-19. 

Sau Israel, Mỹ và nhiều quốc gia khác cũng đã bắt đầu hoặc lên kế hoạch tiêm mũi vaccine nhắc lại cho người dân. Cuối tuần trước, chính phủ Singapore cũng cho biết nước này dự định tiêm mũi vaccine nhắc lại cho người cao tuổi và người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, kế hoạch tiêm mũi nhắc lại của các nước này gây ra tranh cãi ở cả góc độ khoa học và đạo đức, khi mà ở nhiều nước trên thế giới, nhiều người thậm chí chưa được tiêm mũi vaccine đầu tiên. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng việc tiêm mũi nhắc lại ở thời điểm hiện tại sẽ khiến nguồn cung vốn hạn chế nay trở nên khan hiếm hơn, khiến nhiều nước nghèo khó tiếp cận vaccine. Tính tới ngày 3/9, Israel đã tiêm mũi vaccine nhắc lại cho 2,48 triệu người.

Một câu hỏi nữa là, nếu dữ liệu cho thấy mũi thứ ba là cần thiết, thì liệu có cần mũi thứ tư hay những mũi tiêm tiếp theo hay không? Theo Giáo sư Leshem, điều này “rất khó đoán” nhưng có thể sẽ không tránh khỏi một chu kỳ tiêm bất tận.

“Diễn biến tự nhiên của một bệnh truyền nhiễm là hướng tới một trạng thái cân bằng mới. Điều này có nghĩa là, rất khó để xác định khi nào, nhưng trong vài tháng hoặc vài năm chúng ta có thể đạt được trạng thái mà virus lây truyền trong cộng đồng và chủ yếu gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ vì hầu hết dân số đã được bảo vệ khỏi bệnh nặng nhờ việc tiêm vaccine, từng khỏi bệnh hoặc cả hai”, ông Leshem giải thích.