JPMorgan Chase: Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ gần 80%
Theo JPMorgan Chase, khả năng suy thoái phản ánh qua giá của những cổ phiếu có liên hệ mật thiết với nền kinh tế Mỹ đã tăng lên mức gần 80%...

Chỉ số Russell 2000 đo giá cổ phiếu vốn hóa nhỏ trên thị trường chứng khoán Mỹ, nhóm cổ phiếu đã bị vùi dập trong đợt bán tháo những ngày gần đây, đang cho thấy khả năng 79% sắp xảy ra một cuộc suy thoái ở nền kinh tế lớn nhất thế giới - theo một bảng các chỉ số suy thoái dựa trên diễn biến thị trường tài chính của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản.
Các lớp tài sản khác cũng đang phát tín hiệu báo động: chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ cho thấy khả năng suy thoái là 62%; thị trường kim loại cơ bản phản ánh khả năng suy thoái 68%; và khả năng suy thoái theo phản ánh của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ là 54%.
“Russell 2000 là một chỉ số có tính chu kỳ cao hơn, nên chứa đựng nhiều thông tin hơn về vị thế chu kỳ của nền kinh tế Mỹ. Theo chỉ số này cho thấy, khả năng suy thoái kinh tế Mỹ bay giờ là khoảng 80%. Trong khi đó, khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ là gần 100%”, chiến lược gia Nikolaos Panigirtzoglou của JPMorgan Chase nói với hãng tin Bloomberg.
Tâm lý của người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ đang ngày càng trở nên u ám khi cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump có những bước leo thang mới. Vào 0h01 ngày 9/4 theo giờ Washington, kế hoạch thuế quan đối ứng của ông Trump đã có hiệu lực hoàn toàn, cộng thêm thuế quan mới 50% đánh vào hàng Trung Quốc.
Đương đầu với mức thuế quan lên tới 104% mà Mỹ đặt ra, Trung Quốc ngày 9/4 tuyên bố sẽ tiếp tục có các biện pháp đáp trả “cương quyết và mạnh mẽ”. “Nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, Mỹ nên thể hiện thái độ bình đẳng, tôn trọng và đôi bên cùng có lợi”, người phát ngôn Lin Jian của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
JPMorgan Chase tính toán khả năng suy thoái kinh tế dựa trên các chỉ số đo giá tài sản bằng cách so sánh mức đỉnh của mỗi chỉ số trước khi xảy ra suy thoái với mức đáy trong thời gian suy thoái. S&P 500 hiện đã giảm gần 20% so với mức kỷ lục thiết lập hồi tháng 2, đồng nghĩa rằng chỉ số này sắp rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).
Không chỉ JPMorgan Chase mà nhiều nhà dự báo khác cũng đã tăng khả năng suy thoái kinh tế Mỹ trong thời gian gần đây. Trong một cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện vào ngày 2-3/4, 92% số chuyên gia trả lời nói rằng việc Mỹ áp thuế quan trên diện rộng làm gia tăng khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới.
Tuần trước, các nhà kinh tế của JPMorgan Chase nâng khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu lên 60%. Nhà kinh tế trưởng về Mỹ của JPMorgan Chase, ông Michael Feroli, dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ năm nay chỉ đạt 0,3%, giảm từ mức 1,3% đưa ra trong lần dự báo trước.
Ngân hàng Goldman Sachs ngày 8/4 cho rằng ngay cả khi Mỹ giảm mạnh thuế đối ứng đã áp lên các đối tác thương mại, khả năng suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng tới vẫn là 45%, tăng từ mức 35% đưa ra cách đây hơn 1 tuần.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Mooyd’s nâng khả năng suy thoái kinh tế Mỹ lên 45%.
“Còn phải chờ xem chính sách thương mại sẽ tiếp tục diễn biến ra sao, nhưng xét tới thuế suất của thuế đối ứng, có vẻ như kinh tế Mỹ sẽ khó tránh được suy thoái, nhất là nếu các đối tác thương mại có hành động trả đũa mạnh mẽ”, một báo cáo của ngân hàng Wells Fargo nhận xét.