KBSV: Vẫn có khả năng Việt Nam không bị Mỹ đưa vào danh sách áp thuế đối ứng
Trong trường hợp, Mỹ đánh giá tích cực về những động thái của Việt Nam, vẫn có khả năng Việt Nam không bị Mỹ đưa vào danh sách trong kỳ đánh giá này...

Ngày 2/4 tới đây, chính quyền Donald Trump sẽ công bố chính sách thuế đối ứng với các đối tác thương mại. Phạm vi ban đầu của kế hoạch này rất rộng, ông Trump dự định sẽ áp thuế đối ứng với toàn bộ các quốc gia khác trên thế
giới.
Bên cạnh đó, mặc dù không đưa ra cách tính thuế đối ứng cụ thể, nhưng chính sách này không chỉ bao gồm thuế quan mà có thể bao gồm cả thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế ngoài lãnh thổ đối với các công ty Mỹ và các rào cản phi thuế quan khác.
Tuy nhiên, vào ngày 23/03/2025, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã thu hẹp đáng kể phạm vi áp thuế, có thể chỉ tập trung vào “Dirty 15” – các quốc gia vi phạm theo hai tiêu chí: áp đặt thuế quan không công bằng đối với hàng hóa Mỹ; khiến Mỹ chịu thâm hụt thương mại lớn, theo Bloomberg.
Theo nhận định của Chứng khoán KBSV, khoảng 50% GDP và việc làm của Việt Nam phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ chiếm 30% tỷ trọng tổng kim ngạch xuất khẩu. Ước tính, trong trường hợp bị Mỹ áp thuế đối ứng, GDP Việt Nam giảm 0,7 - 1,3% so với kịch bản cơ sở.
Một báo cáo của Goldman Sachs cho thấy GDP Việt Nam sẽ giảm khoảng 1,5% nếu hàng hoá Việt Nam bị tăng thuế đối ứng khoảng 13%.

KBSV đưa ra 3 kịch bản có thể xảy ra nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia bị áp Thuế đối ứng:
Kịch bản 1 (40%): Việt Nam bị áp Thuế đối ứng không tính đến VAT Mỹ có thể tăng mức thuế bình quân thêm 5.8% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Với kịch bản 1, GDP ước tính giảm 0,7%; xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa kịp chuyển hướng sang các thị trường khác; Thu hút vốn FDI sụt giảm khi Việt Nam không còn là điểm đến lý tưởng thay thế Trung Quốc; Áp lực tỷ giá gia tăng khi nguồn cung ngoại tệ sụt giảm.
Ngành bị ảnh hưởng gồm da giày, dệt may. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực còn phụ thuộc vào mức thuế đối ứng mà Mỹ áp lên các nước là đối thủ cạnh tranh chính với các ngành này của Việt Nam.
Với bất động sản khu công nghiệp, logistics, tác động tiêu cực chủ yếu trong ngắn hạn do các doanh nghiệp FDI có thể tạm dừng lại quan sát. Trong dài hạn, Việt Nam vẫn có thể có những lợi thế cạnh tranh về nguồn lao động, chi phí nhân công và vị trí địa lý để tiếp tục thu hút FDI.
Với máy móc, thiết bị điện tử, thủy sản, mức độ tác động ở mức thấp nhờ Việt Nam vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh và mức chênh lệch thuế nhập khẩu giữa hai nước là không lớn.
Kịch bản 2 (40%): Việt Nam bị áp Thuế đối ứng có tính đến VAT Donald Trump có thể xem xét đến cả những rào cản thương mại khác mà các quốc gia khác đang áp dụng, điển hình như thuế VAT. Theo cách tiếp cận này, sẽ phải cộng thêm phần chênh lệch giữa thuế VAT mà Việt Nam đang áp dụng (10%) và thuế bán hàng (Sales Tax) trung bình các bang của Mỹ đang áp dụng (5%). Như vậy, mức thuế đối ứng có thể lên tới xấp xỉ 11%.
Ở kịch bản 2, GDP ước tính giảm 1,3%; Ngành bị ảnh hưởng như da giày, thủy sản, dệt may, máy móc thiết bị điện tử, bất động sản khu công nghiệp; logistics.
Kịch bản 3 (20%): Việt Nam không bị áp Thuế đối ứng. Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Cụ thể, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ từ tháng 9 năm 2023. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang có những kế hoạch tăng mua hàng hóa từ Mỹ như khí LNG, máy bay, nông sản, thực phẩm…; và những nỗ lực nhằm hạn chế hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ cũng đã được chính phủ Mỹ ghi nhận.
Trong trường hợp, Mỹ đánh giá tích cực về những động thái của Việt Nam, vẫn có khả năng Việt Nam không bị Mỹ đưa vào danh sách trong kỳ đánh giá này. Với kịch bản này, không có tác động đáng kể đến tăng trưởng GDP và các ngành xuất khẩu.
Ngoài ra, kể cả trong trường hợp bị Mỹ cho vào danh sách bị áp thuế đối ứng, KBSV kỳ vọng Chính phủ Việt Nam vẫn có thể đảo ngược tình hình, chủ động đưa ra thêm các điều chỉnh cân bằng hơn chính sách thuế quan giữa 2 nước, từ đó có cơ sở đàm phán với Mỹ. Mới đây nhất, sáng ngày 26/3, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm mức thuế tối huệ quốc (MFN) đối với 14 sản phẩm chủ yếu xuất khẩu từ Mỹ. Đây có thể là tiền đề cho việc này.