15:47 20/10/2022

Kéo mạnh blue-chips phiên đáo hạn phái sinh

Kim Phong

Thanh khoản vẫn thấp chiều nay tạo điều kiện cho một nhịp tăng nhanh và bất ngờ rất có thể liên quan đến thời điểm đáo hạn phái sinh. Loạt cổ phiếu blue-chips trong rổ VN30 quay đầu ào ạt, đến hơn 2h VN30-Index đã vượt tham chiếu và đảm bảo 15 phút cuối thời gian khớp lệnh liên tục – được tính vào giá thanh toán phái sinh – chỉ số này xanh...

VN-Index được hưởng lợi nhờ hoạt động kéo giá blue-chips, hình thành một nhịp tăng khá tốt cuối phiên.
VN-Index được hưởng lợi nhờ hoạt động kéo giá blue-chips, hình thành một nhịp tăng khá tốt cuối phiên.

Thanh khoản vẫn thấp chiều nay tạo điều kiện cho một nhịp tăng nhanh và bất ngờ rất có thể liên quan đến thời điểm đáo hạn phái sinh. Loạt cổ phiếu blue-chips trong rổ VN30 quay đầu ào ạt, đến hơn 2h VN30-Index đã vượt tham chiếu và đảm bảo 15 phút cuối thời gian khớp lệnh liên tục – được tính vào giá thanh toán phái sinh – chỉ số này xanh.

VN-Index cũng bật tăng qua tham chiếu nhưng có lẽ chỉ là hưởng lợi từ hiệu ứng kéo giá blue-chips. Những trụ của VN30 như VCB, CTG, TCB, VNM, MSN, STB, VPB lên giá ấn tượng nhất.

Tính về mức ảnh hưởng và cường độ tăng, CTG, VNM và VCB biến động mạnh nhất. CTG từ 1h45 đến 2h15 tăng 3,71%; VCB từ 1h45 tới 2h20 tăng 3,09%. Riêng VNM bứt tốc ngay khi bước vào phiên chiều, từ khoảng 1h15 trở đi tăng liên tục, biên độ 1,71%. Nhiều cổ phiếu khác như STB cũng cực kỳ ấn tượng với biên độ tăng hơn 4% chỉ trong 30 phút.

Hầu hết các cổ phiếu trong rổ VN30 đều thay đổi giá tích cực ở mức độ khác nhau trong nửa sau phiên chiều. VN30-Index từ 1h45 đến khoảng 2h20 tăng 1,66% giá trị và gần như cả rổ đều đảo chiều xanh. VN30 giao dịch tổng cộng gần 980 tỷ đồng chỉ trong khoảng thời gian này.

Nhịp tăng bất ngờ nói trên cũng tạo được hiệu ứng khá tốt trên thị trường. Độ rộng sàn HoSE trước khi các trụ khởi động chỉ là 82 mã tăng/357 mã giảm. Khi VN-Index và VN30-Index tăng đạt đỉnh, độ rộng ghi nhận 147 mã tăng/240 mã giảm. Như vậy hàng trăm cổ phiếu đã chuyển động tiến về tham chiếu và vượt mức này.

Thanh khoản chung của hai sàn niêm yết phiên chiều đã tăng 67% so với phiên sáng, đạt 4.871 tỷ đồng. Như vậy cũng phải có lực cầu mới xuất hiện. Giao dịch của VN30 khá mạnh với 2.164 tỷ đồng buổi chiều, tăng 176% so với phiên sáng. HoSE tăng giao dịch 70% so với phiên sáng.

Các cổ phiếu trụ nhiều mã đảo chiều và tăng ấn tượng hôm nay.
Các cổ phiếu trụ nhiều mã đảo chiều và tăng ấn tượng hôm nay.

Nếu hôm nay không phải là phiên đáo hạn phái sinh thì nhịp kéo lên mạnh này đã gây ấn tượng khá tích cực. Chi phí để đẩy giá loạt blue-chips như vậy là khá lớn nếu so với quy mô tương ứng trên thị trường phái sinh. Tuy nhiên đợt xả nhẹ đã xuất hiện trong đợt ATC, nhiều trụ vừa mạnh trước đó nhanh chóng hạ độ cao. Số trụ còn khỏe là VCB tăng 1,91%, GAS tăng 1,65%, FPT tăng 3,05%, VNM tăng 1,17%... Ngược lại, nhóm hạ độ cao đáng kể là HPG giảm 1,63%, TCB giảm 2,38%, MBB giảm 2%, GVR giảm 2,11%...

VN-Index kết phiên lại rơi xuống vùng đỏ, mất 1,62 điểm tương đương 0,15% so với tham chiếu. VN30-Index cũng giảm 0,04%. Tuy nhiên hiệu ứng tăng giá ở cổ phiếu còn tốt, với 131 mã tăng/287 mã giảm, so với thời điểm các chỉ số tăng đạt đỉnh thì thay đổi không quá nhiều. Điều này đồng nghĩa với sức ép của các mã vốn hóa lớn là yếu tố chính khiến chỉ số mất điểm.

Ngay với rổ VN30 – nhóm bị tác động mạnh nhất ở ngày đáo hạn phái sinh – độ rộng kết phiên vẫn còn 14 mã tăng/14 mã giảm. So với giá cuối phiên sáng, có 22 mã tăng cao hơn và 7 mã tụt. Như vậy mặt bằng giá có được nâng lên, khá phù hợp với diễn biến tăng và neo cao của VN30-Index.

Nhờ giao dịch sôi động hơn trong phiên chiều nên thanh khoản khớp lệnh cả ngày trên hai sàn niêm yết tăng khoảng 7% so với hôm qua, đạt 7.785 tỷ đồng. Tổng hợp cả 3 sàn bao gồm thỏa thuận, giá trị giao dịch đạt 9.355 tỷ đồng, giảm 2%. Đây vẫn là mức thanh khoản rất thấp.

Khối ngoại chiều nay cũng tham gia đẩy mạnh, mua vào tới gần 828 tỷ đồng trên sàn HoSE, bán ra 618 tỷ đồng. Như vậy phiên chiều nhà đầu tư nước ngoài đảo chiều mua ròng, trong khi buổi sáng bán ròng. Loạt blue-chips được mua nhiều rõ rệt là VNM +63,7 tỷ đồng ròng, MSN +57,7 tỷ, STB +52,7 tỷ, VCB +32,4 tỷ, CTG +27,2 tỷ, SSI +22,4 tỷ. HPG vẫn là mã bị bán nhiều nhất, nhưng chiều nay cũng hạ nhiệt, mức ròng còn -75,2 tỷ đồng. NVL cũng bị bán nhiều lên, khoảng 30 tỷ ròng.