12:07 20/10/2022

Thanh khoản lại thấp kỷ lục, cổ phiếu Midcap hút dòng tiền

Kim Phong

Giao dịch tiếp tục chậm chạp trong sáng nay, thậm chí hai sàn niêm yết lập thêm kỷ lục thấp mới về thanh khoản. Chưa tới 3.000 tỷ đồng khớp lệnh là con số đôi khi chỉ bằng một nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngay cả khối ngoại cũng tiết giảm giao dịch đột biến...

Trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index chỉ lác đác vài mã xanh sáng nay.
Trong nhóm vốn hóa lớn nhất của VN-Index chỉ lác đác vài mã xanh sáng nay.

Giao dịch tiếp tục chậm chạp trong sáng nay, thậm chí hai sàn niêm yết lập thêm kỷ lục thấp mới về thanh khoản. Chưa tới 3.000 tỷ đồng khớp lệnh là con số đôi khi chỉ bằng một nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngay cả khối ngoại cũng tiết giảm giao dịch đột biến.

Cung cầu đều yếu nhưng độ rộng của VN-Index cho thấy áp lực giảm vẫn nhỉnh hơn. HoSE kết phiên với 83 mã tăng và 316 mã giảm. Trong suốt cả phiên, tuy độ rộng có co dãn theo thời gian nhưng số giảm giá vẫn luôn áp đảo. Thời điểm chỉ số giảm nhẹ nhất, vẫn có 119 mã tăng/211 mã giảm.

Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn đạt gần 2.914 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với sáng hôm qua. HoSE giảm 6% với 2.659 tỷ đồng, VN30 giảm 8%, chỉ đạt 784 tỷ đồng. Nhóm Midcap đang thu hút thanh khoản tốt nhất với gần 1.317 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 50% giá trị sàn HoSE.

Tuy hút tiền tốt nhưng chỉ số đại diện nhóm Midcap lại đang giảm 1,02%, mạnh hơn mức giảm 0,82% của VN-Index và cũng tương đương với Smallcap giảm 1,14%. Thêm nữa độ rộng của Midcap khá tệ với 11 mã tăng/51 mã giảm.

Thanh khoản cao ở rổ Midcap có dấu hiệu xả mạnh khá rõ. DGC dẫn đầu nhóm với gần 172,9 tỷ đồng và cũng là mã thanh khoản nhất thị trường, có giá giảm 3,19%. Cổ phiếu này vừa có nhịp tăng hơn 7 phiên với biên lợi nhuận gần 23,5%, nên áp lực chốt lời xuất hiện cũng là bình thường. Nhiều mã khác trong rổ Midcap thanh khoản cao và giá giảm như VND giảm 1,72% giao dịch 70,3 tỷ đồng; GEX giảm 3,08% giao dịch 63 tỷ; VCI giảm 2,17% giao dịch 59 tỷ. Nhóm ngược dòng nổi bật có KBC tăng 1,08% thanh khoản 85,4 tỷ; REE tăng 1,63% thanh khoản 27,7 tỷ.

Thực ra đây cũng là tình trạng chung trên thị trường, với độ rộng quá hẹp nên các cổ phiếu đi ngược dòng cũng không nhiều mã nổi bật. Trong 83 mã tăng giá ở HoSE, chỉ có 12 mã đạt thanh khoản từ 10 tỷ đồng trở lên. Các cổ phiếu còn lại giao dịch quá nhỏ để có thể coi là cơ hội cho dòng tiền hoạt động đủ tin cậy.

VN-Index giảm không mạnh, nhưng cũng không có động lực để phục hồi
VN-Index giảm không mạnh, nhưng cũng không có động lực để phục hồi

Diễn biến giảm giá sáng nay có tín hiệu về sức ép tăng lên. Dù tổng thể thanh khoản nhỏ, nhưng biên độ giảm lại có thay đổi so với sáng hôm qua. Số mã giảm giá trên 1% ở HoSE tới 165 cổ phiếu. Ngoài DGC, HPG cũng giảm khá mạnh 1,36% với giao dịch cao 111,7 tỷ đồng. STB, HAG, SSI, VCI, DCM, BAF cũng đang tụt giá sâu.

VN-Index chốt phiên sáng giảm 7,92 điểm tương đương 0,75%. Nhóm blue-chips gây sức ép khá lớn, với VHM giảm 2%, TCB giảm 2,18%, CTG giảm 1,51%, HPG giảm 1,36%. 4 mã này lấy đi khoảng 2,4 điểm của chỉ số. Phía tăng duy nhất GAS là đáng kể 1,19% và FPT tăng 1,06%. Mã duy nhất còn lại trong rổ VN30 tăng là HDB không đang kể với +0,6%. 26 cổ phiếu khác trong nhóm này giảm, với 16 mã giảm trên 1%.

Khối ngoại cũng tiết giảm giao dịch đáng kể với tổng mức giải ngân trên HoSE chỉ là 232,9 tỷ, bán ra 259 tỷ, tương ứng bán ròng 26,1 tỷ đồng. Tuy bán ròng nhưng giao dịch tập trung chủ yếu vào HPG với -48,8 tỷ. Cổ phiếu bị bán nhiều nhất kế tiếp là SAB còn chưa tới 6 tỷ đồng ròng. Phía mua cũng nhỏ, với KBC, HDB là hai mã duy nhất trên 10 tỷ ròng.

Hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh và thị trường có lý do để giảm cường độ giao dịch. Tuy vậy xu hướng giao dịch thấp cũng đã kéo dài từ cuối tuần trước. Trong 5 phiên giao dịch vừa qua chỉ có 2 phiên là mức khớp lệnh cả ngày ở hai sàn niêm yết vượt qua được con số 10 ngàn tỷ đồng.