Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn
AgroViet 2024 diễn ra từ 20 - 23/11 nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm nông sản của các địa phương trong cả nước; đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã củng cố và khai thác thị trường nội địa và xuất khẩu...
Ngày 20/11, Hội chợ triển lãm nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn” chính thức khai mạc tại Khu hội chợ triển lãm giao dịch kinh tế và thương mại, số 489 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Phát biểu khai mại AgroViet 2024, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn những năm qua được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước với nhiều mục tiêu luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đến được trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2024, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chiến tranh tại nhiều khu vực trên thế giới, giá vật tư đầu vào tăng cao… nhưng do nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển tốt, hệ thống thị trường và một số nghị định thư được ký mới với Trung Quốc nên kết quả xuất khẩu nông lâm thủy sản 10 tháng đã đạt mức 51,74 tỷ USD, và cả năm 2024 dự báo sẽ đạt mức trên 62 tỷ USD - đây sẽ là năm có kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cao nhất từ trước tới nay.
AgroViet 2024 là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, được tổ chức thường niên. Năm 2024, hội chợ được tổ chức với chủ đề “Kết nối chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn”, được tổ chức trong 4 ngày từ ngày 20 đến 23/11/2024, nhằm thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế quốc tế, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, giao dịch thương mại...
AgroViet 2024 với quy mô gần 300 gian được bố trí, trang trí đặc biệt thành các khu vực trưng bày, trải nghiệm sẽ giới thiệu đến quý khách hàng, doanh nghiệp nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú với các sản phẩm máy móc, vật tư thiết bị nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đến từ các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế (Trung Quốc, Mông Cổ, Hàn Quốc, Úc, Nga…), sự tham gia của 36 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình; các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc và các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên cả nước với nhiều sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu, sản phẩm OCOP kết hợp giới thiệu nét đặc trưng văn hóa vùng miền.
Với mục tiêu tăng cường, đa dạng hóa phương thức tiếp cận thị trường, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ thể OCOP quảng bá các sản phẩm nông đặc sản tại hội chợ, Ban tổ chức hội chợ phối hợp với Tiktok Việt Nam tổ chức các hoạt động livestream quảng bá, bán sản phẩm, dịch vụ, trực tiếp tại hội chợ thông qua nền tảng các mạng xã hội. Đồng thời, hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp, chủ thể mở kênh và bán sản phẩm chuyển giao cách thức vận hành giúp doanh nghiệp tiếp cận và hòa nhập với thời kì công nghệ 4.0.
Đặc biệt, hội chợ triển lãm lần này diễn ra trùng với dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia Việt Nam - Mông Cổ, ban tổ chức hội chợ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức quốc tế tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa: diễn đàn xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ, hội nghị giao thương doanh nghiệp hai nước và chương trình giao lưu nhân dân hai nước Việt Nam - Mông Cổ, diễn ra vào sáng 20/10.
Thông tin tại hội nghị cho biết trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ trong những năm gần đây tăng trưởng nhanh, với kim ngạch song phương năm 2022 đạt 85 triệu USD; năm 2023 đạt 132 triệu USD; 7 tháng năm 2024 đạt 65,5 triệu USD. Với tín hiệu tích cực này, hai nước đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD.
Nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng giữa hai quốc gia: Mông Cổ có thế mạnh về chăn nuôi, còn Việt Nam có thế mạnh về trồng trọt và sản xuất thực phẩm. Mông Cổ sẽ cung cấp các sản phẩm thịt gia súc - vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của quốc gia này; đồng thời mong muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam, hai nước có thể xây dựng một chuỗi cung ứng hiệu quả đối với mặt hàng gạo.
Việc thúc đẩy trao đổi thương mại nông sản giữa hai nước không chỉ giúp Mông Cổ đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu gạo. Việt Nam và Mông Cổ cũng cần quan tâm hơn việc khai thông các điểm nghẽn để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, việc xúc tiến đưa sản phẩm thịt gia súc của Mông Cổ sang Việt Nam vẫn còn vướng mắc. Điều này khiến hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước chưa được phát triển, duy trì ở mức khiêm tốn so với tiềm năng và nhu cầu thực tế của hai nước.
Chia sẻ tại diễn đàn, các doanh nghiệp Mông Cổ cho rằng một trong những thách thức lớn về thương mại là vận tải quốc tế có chi phí cao và thời gian dài, vì Mông Cổ xa và nằm sâu trong lục địa nên phải đa phương thức vận tải và trung chuyển.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang Mông Cổ không chỉ phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Trung Quốc mà còn yếu thế hơn về chi phí và thời gian vận chuyển. Để giải quyết những thách thức về thương mại hiện tại, đặc biệt là vấn đề vận chuyển hàng hoá, hai bên cần tìm ra các giải pháp sáng tạo và linh hoạt hơn. Một trong những giải pháp là hai bên cùng thiết lập cơ chế hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, để nhờ con đường của Trung Quốc giúp vận chuyển hàng hoá.
Tại AgroViet 2024, nhiều người tiêu dùng Thủ đô bị thu hút bởi các sản phẩm của Mông Cổ như sản phẩm thời trang bằng da động vật có giá dao động từ vài trăm ngàn đồng tới vài triệu đồng/chiếc. Tại đây, những người bán đến từ Mông Cổ diện các trang phục truyền thống của đất nước, nhiệt tình giới thiệu tới khách tham quan về sản phẩm, khiến người Hà Nội vô cùng thích thú.