05:35 29/07/2021

Kết quả kinh doanh quý 2/2021: Doanh nghiệp hàng không tiếp tục điêu đứng với Covid

Khánh Linh

Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp ngành hàng không đã có báo cáo tài chính quý 2/2021 và hầu hết tiếp tục ghi nhận thua lỗ nặng do tác động tiêu cực của Đại dịch Covid-19...

Lợi nhuận quý 2/2021 của doanh nghiệp ngành hàng không thêm phần bi đát.
Lợi nhuận quý 2/2021 của doanh nghiệp ngành hàng không thêm phần bi đát.

Dịch Covid-19 diễn biến từ đầu năm 2020 ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế với các ngành nghề khác nhau, trong đó, tổn thất lớn nhất phải kể đến nhóm doanh nghiệp ngành hàng không. Sau một năm, tưởng chừng như dịch bệnh sẽ diến biến khả quan hơn nhưng đợt bùng phát lần thứ 4 còn nguy hiểm hơn cả lần thứ 1, thứ 2, thứ 3. Các doanh nghiệp ngành hàng không tiếp tục ghi nhận thua lỗ chưa từng có.

Đơn cử, Công ty CP Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) trong quý 2/2021 doanh thu bán hàng 32,4 tỷ đồng, tương đương với quý 2 năm ngoái tuy nhiên giá vốn hàng bán cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm 24 tỷ đồng, tăng so với con số lỗ 9 tỷ đồng quý 2/2020. Luỹ kế từ đầu năm 2021 đến nay, NCS lỗ 43 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với con số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Lỗ luỹ kế của NCS đến thời điểm hiện tại lên 70 tỷ đồng.

Lý giải tình trạng thua lỗ triền miên, ông Ngô Hồng Minh, chủ tịch HĐQT NCS cho biết, do 6 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diến biễn phức tạp và nặng nề hơn so với năm 2020, ảnh hưởng đến toàn bộ thời gian hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 nên doanh thu và lợi nhuận kỳ này giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Là đơn vị kinh doanh trong ngành hàng không, Công ty CP Dịch vụ Hàng không sân bay Đà Nẵng (MAS) cũng không nằm ngoài khó khăn chồng chất và kéo dài đối với ngành hàng khong do ảnh hưởng của dịch, nhất là trong đợt dịch bùng phát từ ngày 27/4 tới nay. Các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ hàng không của MAS suy giảm so với cùng kỳ, các lĩnh vực ngoài ngành như đào tạo, taxi cũng chịu ảnh hưởng chung, dẫn đến doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2 giảm so với cùng kỳ 9,69%, tương ứng về mức 12,3 tỷ đồng. Lỗ sau thuế 4,2 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm MAS lỗ 7,4 tỷ đồng, tăng so với con số 6,9 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh quý 2/2021: Doanh nghiệp hàng không tiếp tục điêu đứng với Covid - Ảnh 1

Tương tự, Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco (AST) quý 2/2021 ghi nhận doanh thu thuần gần 51 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 46 tỷ đồng của quý 2/2021, tuy nhiên giá vốn tăng mạnh gần 49% lên 39 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng tăng cao cùng với khoản lỗ 5 tỷ đồng từ các doanh nghiệp liên kết dẫn đến lỗ sau thuế 35 tỷ đồng. cao hơn nhiều so với mức lỗ 15 tỷ của quý 2/2020. Đây cũng là quý lỗ nặng nề nhất trong lịch sử hoạt động của ông lớn dịch vụ hàng không này.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, AST lỗ 66 tỷ đồng trong khi năm ngoái có lãi hơn 1,5 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh ảm đạm khiến tổng tài sản của Taseco Airs giảm từ gần 624 tỷ đồng đầu năm về 567 tỷ đồng, nợ phải trả tăng từ gần 84 tỷ đồng (đầu năm) lên hơn 92 tỷ đồng.

Đối với hãng hàng không quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines (HVN), mặc dù chưa có báo cáo tài chính quý 2/2021, tuy nhiên tình hình kinh doanh thua lỗ là bức tranh hiện hữu của doanh nghiệp này. Bi đát hơn cả các doanh nghiệp nêu trên, HVN còn đang ngấp nghé bờ vực phá sản. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi tháng 6, HVN có thể lỗ đến 10.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021.

Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức giữa tháng 7, ban lãnh đạo công ty đặt kế hoạch lỗ cả năm 2021 lên đến 14.500 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức lỗ 11.178 tỷ đồng của năm 2020, riêng công ty mẹ lỗ 12.908 tỷ đồng. Nếu như các giả định mà HVN đặt ra không đạt được, việc thanh lý máy bay như Vietnam Airlines nói cũng khó khăn, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines có thể sẽ còn ảm đạm hơn, số lỗ còn cao hơn cả kế hoạch đặt ra. 

Kế hoạch kinh doanh thua lỗ của Vietnam Airlines.
Kế hoạch kinh doanh thua lỗ của Vietnam Airlines.

Mặc dù không đến mức thua lỗ, song Công ty CP Bảo hiểm Hàng không (AIC) cũng ghi nhận lãi sau thuế giảm mạnh trong quý 2/2021, còn vỏn vẹn 1,4 tỷ đồng, trong khi năm ngoái lãi 38,4 tỷ đồng.

Kinh doanh bi đát,  trên sàn chứng khoán cổ phiếu nhóm hàng không cũng giảm mạnh kể từ khi dịch bùng phát từ thời điểm tháng 4 - dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Đơn cử, HVN giảm 17,2%; VJC giảm 10,2%; AST - 12,7%; NCS - 18%, AIC - 20%…

Trong báo cáo tình hình doanh nghiệp hồi tháng 6, đánh giá về ngành hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, tâm lý khách hàng trên khắp thế giới bị thay đổi, dự báo hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021, nếu như tình hình Covid 19 được kiềm chế, phải đến năm 2024 hoạt động ngành hàng không mới có thể phục hồi như trước khi có dịch bệnh.

Chứng khoán Nhất Việt cũng cho rằng trước lần dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, các đường bay nội địa đến các tỉnh phía Nam bị giãn đoạn, do đó, triển vọng cổ phiếu nhóm hàng không sẽ kém khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, dự báo sẽ mở lại một số đường bay quốc tế đến châu Âu và châu Úc trong quý 3/2021.