19:33 11/06/2013

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: “Tôi cho là được”

Nguyễn Lê

Đại biểu Quốc hội nói gì về kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt?

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: Infonet.<br>
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: Infonet.<br>
Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn, nhiều vị đại biểu đã chia sẻ cảm nhận về cuộc bỏ phiếu lịch sử này.

“Ai cũng cầu thị”


Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh

“Tôi cho rằng việc lấy phiếu có tác dụng tích cực đến những nhân sự được đánh giá tín nhiệm, tạo thêm động lực cho họ điều chỉnh cách điều hành trong thời gian tới.

Số phiếu tự nói hết rồi, nhưng với người được đánh giá tín nhiệm thì mỗi người được đánh giá thì cũng đã tự làm kiểm điểm rồi, sau khi có kết quả tín nhiệm họ sẽ biết rõ hơn những gì cần phải làm tốt hơn nữa.

Còn cảm giác của người được đánh giá thì như Chủ tịch Quốc hội đã nói thì luôn có hai tâm trạng. Đây là lần đầu tiên nên sẽ rút kinh nghiệm, ví như nên có tập hợp góp ý kết quả thảo luận của đại biểu để biết rõ những gì kém thì mình làm tốt hơn, vì ai cũng có tinh thần cầu thị”.

“Tôi cho là được”

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai)

“Kết quả lấy phiếu tín nhiệm tôi cho là được đấy chứ, phản ánh đúng thực tiễn, còn con số tuyệt đối không bàn.

Nhìn tương quan thì thấy là kết quả phản ánh đúng bức tranh kinh tế xã hội. Một số ngành kinh tế có khó khăn thì đúng là tỷ lệ phiếu tín nhiệm của tư lệnh ngành có thấp hơn. Nếu phân tích kỹ ra, thì những bước đi đầu tiên thế này là tốt, công khai hết và chấp nhận minh bạch tất cả, đấy là điều phải ghi nhận.

Với ba mức tín nhiệm thì tôi đặc biệt quan tâm đến con số tín nhiệm thấp, nó mang cả tính cảnh báo nhưng đồng thời thể hiện cả sự quan tâm và chia sẻ nữa.

Còn tín nhiệm cao thì đôi khi có nhân vật ít va chạm ít bộc lộ thì có thể cao, còn  tôi quan tâm đến con số tín nhiệm thấp”.

“Trách nhiệm không riêng bộ ngành nào”

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng

“Tôi cho rằng khi có một lĩnh vực nào đó chưa tốt thì cũng không phải chỉ riêng một bộ ngành nào có trách nhiệm.

Thí dụ ách tắc giao thông ở các thành phố lớn thì một mình “ông” giao thông không giải quyết được, nếu Bộ Xây dựng cứ cho xây nhà cao tầng không theo quy hoạch. Không di chuyển bệnh viện, trường học ra ngoài thì giải bài toán đó sao được!

Vì thế tới đây cũng nên có đánh giá trách nhiệm vị phó thủ tướng phụ trách khối ngành, lần này còn chưa làm việc đó. Phải quy trách nhiệm người phụ trách, nhưng vừa qua thì người phụ trách chưa nhận xét vào các báo cáo của các vị đó. Cấp dưới làm tốt thì cấp trên cũng được ghi nhận, cấp dưới mà làm dở thì người phụ trách cũng phải có trách nhiệm.

Cũng nên rút kinh nghiệm trong việc làm báo cáo công tác của các nhân sự được lấy tín nhiệm. Chúng tôi không làm việc gần các vị, không biết rõ được, chỉ nghe qua phản ánh, bảo cáo, không thống nhất về tiêu chí, vừa rồi mỗi người viết theo một kiểu cho nên có vị hơn 30 trang, có vị chỉ 2-3 trang.  

“Ít nhiều đúng thực chất”

 Đại biểu Ngô Văn Minh,  Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật

“Theo tôi, kết quả ít nhiều đã phản ánh đúng thực chất. Đây là lần đầu tiên, vấn đề rất hệ trọng, liên quan đến sinh mệnh chính trị của từng vị được lấy phiếu.

Đây là một thành công bước đầu hết sức quan trọng.

Qua lần lấy phiếu này, những lĩnh vực có nhiều tín nhiệm thấp cũng nên nghiên cứu để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh trong quá trình lãnh đạo, điều hành cho tốt hơn, và hy vọng là như thế. Đó cũng là mục đích của lần lấy phiếu này, để cho bộ máy của ta vận hành tốt hơn, trơn tru, hiệu quả hơn, đáp ứng được nguyện vọng của đại biểu, nhân dân, đất nước.

Trong lúc này tôi thấy có một cảm nhận chung rất rõ là tất cả các vị đại biểu Quốc hội đều ý thức được trách nhiệm rất cao của mình trong việc thể hiện chính kiến, thể hiện tín nhiệm đối với mỗi chức danh trong danh sách lần này Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm.

Đây là sinh hoạt chính trị lần đầu tiên có trong Quốc hội nước ta và mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Có thể nói tôi cũng như các vị đại biểu khác đều cẩn trọng, nghiêm túc trong từng lá phiếu.

Công tác chuẩn bị cho đến trước giờ phút lấy phiếu tín nhiệm thì tôi thấy các vị đại biểu nhìn chung đều đánh giá là nghiêm túc. Các tài liệu quan trọng có liên quan đều được gửi sớm.

Về nội dung các báo cáo của từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, có ý kiến cho rằng có báo cáo còn quá ngắn gọn chỉ hơn một trang giấy, nhưng theo tôi điều quan trọng là chất lượng thông tin trong báo cáo đó. Cũng có những báo cáo đến gần 30 trang”.

“Tương đối sát thực tế”

Đại biểu Vũ Trọng Kim, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam


“Tôi thấy kết quả phản ánh tương đối sát với thực tế, đấy là điều hay. Mỗi người tự nhận thức lại mình đã làm tới đâu, thấy kết quả đó là đại biểu đã giám sát mình, dân giám sát mình.

Để chuẩn bị cho việc lấy phiếu thì chế độ thông tin là quan trọng nhất, nên có thêm nhiều cuộc sinh hoạt giữa đại biểu với những người được lấy phiếu để họ trình bày nhiều hơn, hoặc để họ xuất hiện trên báo chí nhiều hơn, để báo chí tiếp cận những cuộc làm việc của họ nhiều hơn… Có ba bốn phương thức như vậy mới tạo ra được sự chuyển biến, để xem xét thận trọng, khách quan, công tâm và rõ ràng, minh bạch, không ai bị thiệt”.