13:43 16/04/2008

"Kẹt" tiền, doanh nghiệp bán lại dự án

Đối mặt với khả năng bị thu hồi lại đất nếu dự án chậm tiến độ, một số chủ dự án đang tìm cách bán lại dự án

Giới kinh doanh cho rằng có tới 70% các giao dịch địa ốc trong thời gian qua là đầu cơ
Giới kinh doanh cho rằng có tới 70% các giao dịch địa ốc trong thời gian qua là đầu cơ
Đối mặt với khả năng bị thu hồi lại đất nếu không thực hiện dự án đúng tiến độ, một số chủ dự án đang tìm cách bán lại quyền thực hiện dự án, có cả bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

 

Thực trạng trên xuất phát từ sự đình trệ của thị trường bất động sản và tình trạng căng thẳng tín dụng của các ngân hàng.

Bán dự án

Công ty Berjaya, một nhà đầu tư Malaysia trong năm qua đã giành được quyền thực hiện hàng loạt dự án bất động sản lớn tại Việt Nam, hiện đang thương thuyết với ít nhất ba dự án địa ốc của các công ty trong nước với tổng diện tích lên đến hàng trăm hecta.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam, các công ty phát triển địa ốc đang bị kẹt về tài chính sẽ tìm cách nhượng lại quyền thực hiện dự án của họ bằng việc chấp nhận một tỷ lệ nhỏ trong liên doanh.

Ông Nam nói: “Có thể có tới 90% dự án đang nằm trong tình trạng này”.

Do khó khăn về tài chính, không vay được vốn từ ngân hàng, nhiều dự án bất động sản không có khả năng giải toả đền bù, và cũng không bán được đất hoặc nhà của dự án cho khách hàng.

Năm ngoái, khi thị trường địa ốc đang trong cơn hưng phấn, các dự án huy động vốn bằng cách bán quyền mua trước khi thực hiện dự án rất dễ dàng. Các ngân hàng cũng sẵn lòng mở hầu bao cho các dự án địa ốc. Tình hình hiện nay đang diễn biến khác hẳn. Người mua nhà không còn dễ dàng vay vốn ngân hàng như trước nữa.

Và trả lại tiền

Trên thực tế, những người đầu cơ mua nhà bằng vốn ngân hàng trong cơn sốt địa ốc cuối năm ngoái và đầu năm nay đang trong tình trạng “khóc dở mếu dở” vì giá bất động sản đi xuống và thị trường thiếu giao dịch.

Tuy không có thống kê chính thức, giới kinh doanh vẫn cho rằng có tới 70% các giao dịch địa ốc trong thời gian qua là đầu cơ, chỉ một số ít là người mua có nhu cầu nhà ở thực sự.

Một dự án địa ốc do công ty T., một công ty con của M. Bình Dương thực hiện, đã nhận tiền trước của 1.600 căn hộ, mới đây đã phải trả lại tiền khoảng 1.000 căn hộ với tổng số tiền là 80 tỉ đồng. Công ty này hiện đang không có tiền thực hiện dự án. Theo luật, trong vòng một năm kể từ ngày bắt đầu nhận dự án, nếu không thực hiện được nhà nước sẽ thu hồi lại đất.

Công ty Phú Mỹ Hưng sẽ bắt đầu bán dự án chung cư Sky Garden 3 vào ngày 14/4 với giá 2.000 USD/m2. Tỷ lệ đăng ký mua nhà ở dự án này sẽ là một thước đo đáng chú ý cho thị trường địa ốc. Với việc phải cạnh tranh với thị trường thứ cấp - thị trường mua đi bán lại đang đi xuống - hiện nay, có thể giá gốc 2.000 USD/m2 cũng là khó bán, một nhân viên kinh doanh của Phú Mỹ Hưng nhận xét.

Hiện nay nguồn cung trên thị trường thứ cấp đang rất cao nhưng chưa có nhiều người mua, một dấu hiệu chứng tỏ thị trường chưa xuống đáy. Điều hài hước trên thị trường bất động sản lúc này là trong khi nhu cầu nhà ở đang cao, những giao dịch với mục đích mua để ở lại rất thấp. Giá nhà vẫn ngoài tầm với của rất nhiều người.