Khách hàng được lợi gì khi ngân hàng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ đóng sang mở?
Khi các ngân hàng triển khai mạnh mẽ Open API, tiến tới là Open Banking (ngân hàng mở), người dùng có thể đặt đồ ăn, mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn…trên ứng dụng của ngân hàng. Ngược lại, các ngân hàng mở có thể cung cấp các dịch vụ tài chính trên các ứng dụng khác thay vì chỉ gói gọn riêng ứng dụng của ngân hàng mình như hiện nay...
Open Banking hay còn gọi là ngân hàng mở là thuật ngữ dùng để chỉ một mô hình tài chính - ngân hàng, trong đó, các dữ liệu được chia sẻ và trao đổi trong hệ sinh thái tài chính.
Theo đó, ngân hàng mở cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện chương trình ứng dụng mở (Open Application Programming Interface – Open API) được bảo mật.
API mở cung cấp quyền truy cập, hỗ trợ giao diện giữa nhà cung cấp dữ liệu và bên thứ ba vào các mối quan hệ kinh doanh dưới sự kiểm soát của các tổ chức cung cấp.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), chia sẻ có 3 chủ thể chính tham gia mô hình ngân hàng mở gồm ngân hàng; bên thứ 3 cung cấp dịch vụ được kết nối thông qua Open API vào hệ thống ngân hàng để chia sẻ thông tin cung cấp dịch vụ cho khách hàng; khách hàng sử dụng dịch vụ.
Phó Tổng giám đốc NAPAS cho biết thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân.
"Hiện nay ứng dụng Open API không chỉ giới hạn trong lĩnh vực Open Banking mà mở rộng ra toàn bộ nền kinh tế, Open Banking, Open Finance, Open data. Thông qua giao diện Open API, hệ thống ngân hàng có thể kết nối, cung cấp toàn bộ cho các chủ thể của nền kinh tế, không chỉ giới hạn trong ngành fintech, tài chính mà còn đến các công ty bán lẻ, công ty dịch vụ logistic, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho toàn thể người dân", ông Nguyễn Hoàng Long chia sẻ tại Hội thảo “Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với NAPAS tổ chức.
Không chỉ mang đến cho khách hàng những trải nghiệm liền mạch, thuận tiện hơn, theo các chuyên gia, khi sử dụng ngân hàng mở, khách hàng sẽ giảm tối đa phí giao dịch cũng như bước trung gian vì khách hàng ủy quyền trực tiếp bên cung cấp dịch vụ thứ ba truy cập và thanh toán từ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Những khách hàng không thể đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng do nhiều nguyên nhân vẫn có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng phù hợp. Đồng thời, ngân hàng mở gia tăng lựa chọn sản phẩm tài chính cho khách hàng, giúp khách hàng quyết định sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế của mình.
"Sự kết nối này đem lại lợi ích rất lớn cho toàn thể xã hội, cho các chủ thể tham gia Open Banking và tiến tới Open Data. Nhìn nhận tổng thể như vậy sẽ đưa sự phát triển của Open Banking vào định hướng phát triển kinh tế số của Chính phủ", Phó tổng giám đốc NAPAS nói về lợi ích của Open Banking đối với chiến lược chuyển đổi số quốc gia.