15:04 07/12/2023

Hướng tới xây dựng chuẩn mực chung về Open API

Hoàng Lan

Thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API, khiến các fintech phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào 1 chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng?...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở. Ảnh: Việt Dũng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại Hội thảo Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở. Ảnh: Việt Dũng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đã nêu vấn đề như vậy khi đề cập đến câu chuyện ngân hàng mở đang rất nóng hiện nay, tại  hội thảo "Ngân hàng mở/Open Banking: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở" đang diễn ra chiều ngày 7/12/2023 tại Hà Nội, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số được coi là ưu tiên hàng đầu trong ngành ngân hàng vì một số lý do: Chuyển đổi số giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động bằng cách hợp lý hóa và tự động hóa các quy trình; cải thiện khả năng sẵn sàng cho tương lai cũng như nâng cao trải nghiệm của khách hàng; nâng cao khả năng cạnh tranh trong một hệ sinh thái đang thay đổi nhanh chóng. Đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ; tiết giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Chuyển đổi số giúp duy trì tỷ suất lợi nhuận tốt, tái tạo tài sản con người và tiền tệ, đồng thời duy trì tính cạnh tranh trong một thị trường đầy thách thức...

Một trong những công nghệ đột phá gắn với cách mạng công nghệ 4.0 cho phép kết nối chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) được một số ngân hàng Việt Nam nghiên cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo.

“Tôi cho rằng chuyển đổi số của ngành ngân hàng là khách hàng sử dụng được tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động một cách liền mạch. Về khía cạnh kĩ thuật, chuyển đổi số là sự kết nối, tích hợp của các thực thể, các tổ chức, cá nhân trong xã hội”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.

Dẫn ra ví dụ từ chính thực tế, Phó Thống đốc cho biết: "Tôi sống ở khu chung cư. Ngày hôm qua,  tôi nhận được một hóa đơn dịch vụ. Với hóa đơn đấy, tôi có  hai lựa chọn. Thứ nhất,  tôi vào app của khu căn hộ để trả tiền. Thứ hai, người ta thông báo qua email cho tôi là chuyển tiền vào số tài khoản với nội dung ABC… Việc này nói lên câu chuyện, nếu chúng ta làm mà không có Open API, không có tích hợp thì mỗi người một nẻo, mỗi người một khúc. Hiện nay, 1 người dùng có thể phải cài rất nhiều ứng dụng khác nhau của ngân hàng và bên cung cấp dịch vụ. Còn nếu chúng ta có thiết kế Open API và Open Banking thì sẽ kết nối liên thông, giao dịch của khách hàng sẽ được thực hiện liền mạch. Khoản thanh toán của tôi sẽ được hiển thị trên 1 nền tảng, sau khi tôi thanh toán thì sẽ có thông báo là không còn hoá đơn nào nữa.

Theo Phó Thống đốc, để làm được câu chuyện thanh toán hoá đơn liền mạch như hiện nay, ngành điện lực phải mất khoảng 5 năm để tổng hợp số liệu và cho phép các ngân hàng tích hợp vào dữ liệu đó.

“Thật ra, ngành ngân hàng đã manh nha triển khai Open API và Open Banking rồi, như VietinBank hay BIDV đã có Open API cho phép các cái đối tác của mình vào để kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu.. Vậy thì ở hội thảo này chúng ta sẽ xem xét là sau nhiều năm triển khai, có những điểm gì cần lưu ý?”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển Open API đang diễn ra một cách cục bộ, ở từng ngân hàng chứ chưa có chuẩn chung.

“Thay vì vài chục ngân hàng có hàng chục Open API, khiến các fintech phải truy cập vào tất cả Open API đó trao đổi dữ liệu thì chúng ta có cần 1 hub (trung tâm) về API, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ cần truy cập vào 1 chỗ mà kết nối dữ liệu với cả hệ thống ngân hàng?”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nêu vấn đề.

Theo Phó Thống đốc, Open Banking – Open API là một lĩnh vực mới cả về yếu tố kỹ thuật và pháp lý không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Các thách thức, khó khăn khi triển khai Open API không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức và thay đổi khung pháp lý. Việc triển khai thành công khung pháp lý cho Open API sẽ tạo điều kiện cho cộng đồng Fintech cung cấp các dịch vụ sáng tạo mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng theo kịp với sự phát triển trên toàn thế giới về cung cấp dịch vụ ngân hàng.

“Trong thời gian tới, tôi tin với sự định hướng của Ngân hàng Nhà nước, sự quan tâm của ngành ngân hàng, của đơn vị hạ tầng thanh  toán như NAPAS, xu hướng ngân hàng mở sẽ được chuẩn hóa về mặt kỹ thuật, cơ sở pháp lý, trong đó Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra thông tư, hướng dẫn để các ngân hàng, các bên thứ 3 có thể cung cấp nhiều ngân hàng mở cho khách hàng. Đặc biệt, các đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán như NAPAS cũng sẵn sàng chuẩn bị những cơ sở, sản phẩm dịch vụ để đón kịp và phục vụ ngân hàng và các bên thứ 3 cung cấp dịch vụ trên hạ tầng ngân hàng mở”, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc NAPAS kỳ vọng.

 

Ngành Ngân hàng Việt Nam đã tiếp cận, nghiên cứu về ứng dụng cách mạng công nghệ 4.0 phục vụ chuyển đổi số từ khá sớm. Ngay từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2020 và định hướng đến 2030.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý tạo thuận lợi cho việc triển khai chuyển đổi số nói chung, trong đó đặc biệt là các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ: (i) quy định hướng dẫn các ngân hàng mở tài khoản thanh toán thông qua xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); (ii) Triển khai Quyết định thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money); (iii) Ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật thanh toán (mã QR code, thẻ Chíp nội địa..); (iv) Ban hành quy định hướng dẫn cho vay, bảo lãnh bằng phương tiện điện tử tạo thuận lợi cho kết nối thanh toán liên thông, giảm chi phí chấp nhận thanh toán (v) Trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt với nhiều điểm mới nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý chắc chắn, đầy đủ, rõ ràng, qua đó tạo thuận lợi hơn nữa cho thanh toán không dùng tiền mặt..