09:22 10/12/2023

Khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam

Vũ Khuê

Hiện hàng Việt đang chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống...

Hiện hàng Việt đang chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa.
Hiện hàng Việt đang chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa.

Tối ngày 9/12, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, TP. Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Lễ khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”, "Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023.

HÀNG VIỆT CHIẾM TỶ LỆ CAO TRÊN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA

Chương trình là một trong chuỗi các hoạt động thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, và là nhiệm vụ trong Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/7/2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết sau 14 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 9 năm tổ chức Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” đã hình thành nên một phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân trên cả nước.

Khai mạc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam  - Ảnh 1

Tâm lý mua sắm, tiêu dùng hàng Việt đã có những chuyển biến tích cực. Người tiêu dùng đã nhìn nhận đúng hơn khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, cùng với lòng tự hào dân tộc đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước sắp xếp, đổi mới, phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Các doanh nghiệp Việt cũng đã nhận thức được tầm quan trọng sống còn về nâng cao chất lượng, cải tiến công nghệ và dây chuyền sản xuất, kinh doanh, bảo vệ thương hiệu và cách tiếp cận thị trường bài bản hơn.

Hiện hàng Việt đang chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% tại các kênh bán lẻ truyền thống.

Kết quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam” đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay, hàng năm đều có mức tăng trưởng trên dưới 10% so với năm trước. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch Covid-19, hay trong thời kỳ nhu cầu thế giới suy giảm như hiện nay, thì thị trường nội địa là không gian đủ rộng cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ.

KHƠI DẬY NGUỒN LỰC HÀNG VIỆT TỪ CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ Công Thương tổng kết thành 4 bài học kinh nghiệm.

Thứ nhất: Việc sớm thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động, phân công trách nhiệm cho từng thành viên Ban chỉ đạo ngay trong năm 2009 đã giúp ngành nhanh chóng tổ chức quán triệt và hướng dẫn triển khai các chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ngành, tạo đà thuận lợi ngay từ những tháng đầu năm thực hiện Cuộc vận động.

Thứ hai: Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hiệp hội ngành nghề, các địa phương trong thông tin tuyên truyền; trong rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất; trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước; trong cải cách thủ tục hành chính và quản lý thị trường.

Thứ ba: Trong Chương trình hành động hàng năm của Bộ Công Thương, dành một phần nội dung quan trọng hướng đến khơi dậy nguồn lực từ các địa phương thông các hoạt động tổ chức hội chợ triển lãm thương mại cấp vùng; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng Việt vào khu công nghiệp - khu chế xuất; xây dựng “Điểm bán hàng Việt Nam”; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới...

Thứ tư: Đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển hạ tầng thương mại điện tử nhằm tăng cường tương tác với người dân, với doanh nghiệp, tạo ra phương thức quản lý mới theo hướng không chỉ kiểm tra, giám sát, mà chủ yếu là mở ra những hành lang, những không gian kết nối, nhằm bắt kịp những xu hướng phát triển mới.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Đồng thời thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, với trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, nâng cao ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong ngành nhằm truyền đến xã hội một cảm xúc tích cực về nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.

Chương trình hành động hàng năm của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động đã được tổ chức rộng khắp trên 4 lĩnh vực, gồm: Thông tin tuyên truyền; rà soát, ban hành bổ sung luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; cải cách thủ tục hành chính và quản lý thị trường.

 

Chương trình nhận diện hàng Việt Nam năm 2023, bao gồm nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra trong các ngày 9, 10, 11/12, nổi bật là 3 hoạt động: Hoạt động Lễ hội “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023 tại Quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục, phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm khai mạc tối ngày 9/12, kéo dài hết ngày 10/12/2023; Giải chạy “Tự hào hàng Việt Nam” diễn ra sáng Chủ nhật, ngày (10/12) và diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam” chiều 11/12.