15:29 22/08/2023

Khẩn trương thu xếp cát san lấp cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Xuân Nghi

Tính từ ngày khởi công (cuối tháng 6/2023) đến nay, dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đã giải ngân được 688 tỷ đồng trong tổng số 5.880 tỷ đồng và 96% tổng diện tích mặt bằng cần thu hồi. Việc thiếu nguồn cát phục vụ thi công theo kế hoạch đang là vấn đề mà Đồng Tháp đang khẩn trương tìm giải pháp khắc phục...

Sơ đồ, hướng tuyến trên bản đồ của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
Sơ đồ, hướng tuyến trên bản đồ của dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.

Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, là tuyến cao tốc trục ngang thứ hai (cùng với tuyến cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng), có tổng chiều dài 27 km đi qua địa phận hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang, trong đó có 16 km đi qua Đồng Tháp, do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan nhà nước thẩm quyền đầu tư.

Dự án có điểm đầu tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và điểm cuối giao với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận – Cần Thơ tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án sử dụng ngân sách đầu tư công từ nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, theo Nghị quyết 93/2023/QH15 về phân bổ vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội.

Vì là dự án sử dụng nguồn vốn thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên tỉnh Đồng Tháp được áp dụng cơ chế đặc thù trong cung ứng vật liệu theo các nghị quyết của Quốc hội; trong đó có việc phân bổ, điều tiết nguồn vật liệu cát phục vụ san lấp cho dự án.

Theo ước tính của liên bộ Giao thông vận tải và Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng cát san lấp, đắp đường cho toàn dự án vào khoảng 3,6 triệu m3 cát. Tỉnh Đồng Tháp có 3 mỏ cát được đưa vào khai thác phục vụ dự án, nằm tại các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò, Hồng Ngự và Châu Thành. Tuy nhiên, theo tính toán, những mỏ cát này chỉ đáp ứng được khoảng 2,830 triệu m3 cát. Nguồn cát thiếu hụt cho dự án vào khoảng 779.000 m3.

Trước tình hình này, để bảo đảm tiến độ thi công dự án, các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất tạm thời điều chuyển khoảng 51.000 m3 cát từ mỏ cát thuộc hai xã Tân Khánh Trung (huyện Lấp Vò) và Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) để cung ứng cho các hạng mục ưu tiên.

Thiếu hụt nguồn cát san lấp vẫn tiếp tục là bài toán khó đối với các dự án cao tốc vùng ĐBSCL.
Thiếu hụt nguồn cát san lấp vẫn tiếp tục là bài toán khó đối với các dự án cao tốc vùng ĐBSCL.

Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 8/2023, sau gần hai tháng thi công, dự án đã giải ngân vốn năm 2023 đạt 688 tỷ đồng, diện tích thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng đạt khoảng 96% (97/101 ha) với 533 hộ dân chịu ảnh hưởng.

Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu có quy mô chiều rộng mặt đường 25 m gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h; trong đó giai đoạn 1 với 4 làn xe rộng 17 m, vận tốc 80 km/h, đã được khởi công vào ngày 25/6/2023 và dự kiến hoàn thành cuối năm 2025.

Trước đó, ngày 13/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Chính phủ đi thị sát một số công trình, dự án đường bộ trọng điểm của tỉnh Đồng Tháp; trong đó có dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh, chủ đầu tư về tình hình triển khai cùng tiến độ dự án, Thủ tướng đã chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình; bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, cố gắng hoàn thành dự án trước tháng 12/2025; tránh đội vốn bất hợp lý; chống tiêu cực, tham nhũng.

 

Là dự án trục ngang kết nối nội vùng đồng bằng sông Cửu Long, dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu cũng kết nối tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông đoạn TP.HCM - Cà Mau, hoàn thiện tuyến kết nối trục ngang với tuyến cao tốc Bắc Nam phía tây đang hình thành gồm đường Hồ Chí Minh - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Dự án được đầu tư nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp nói riêng.