13:25 15/08/2023

Nhiều nhà đầu tư quan tâm rót tiền mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận

Thanh Thủy

Việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dường như thuận lợi hơn khi có nhiều nhà đầu tư quan tâm, muốn rót tiền vào dự án này...

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến sẽ giúp giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A - Ảnh minh họa
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận được đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến sẽ giúp giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A - Ảnh minh họa

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, đoạn cao tốc TP.HCM - Trung Lương có chiều dài 39,8km và khoảng 22,1km tuyến nối, đi qua địa bàn TP.HCM, Long An và Tiền Giang. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, thực hiện giải phóng mặt bằng quy mô 8 làn xe. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hoàn thành vào tháng 2/2010.

Đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức BOT. Dự án có chiều dài 51,1km và khoảng 4,5km tuyến nối. Quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 4 làn xe, giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe và được đưa vào khai thác từ tháng 4/2022 và chính thức thu phí từ 9/8/2022.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến đường kết nối trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nam bộ với TP.HCM.

Tuy nhiên, do lưu lượng lớn, trong khi quy mô đường cao tốc chỉ 4 làn xe, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bố trí làn dừng khẩn cấp cách quãng nên tốc độ khai thác thấp, hiện tượng ùn tắc giao thông diễn ra hàng ngày.

Thống kê cho thấy, từ thời điểm tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương thu phí, lưu lượng xe trên tuyến tăng lên trên 35%, hiện đạt khoảng 52.000 ôtô lưu thông/ngày đêm. Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận lưu lượng xe trung bình từ năm 2022 khoảng 18.200 xe, và sáu tháng đầu năm 2023 đạt 40.000 ôtô/ngày đêm.

Trước thực trạng đó, Bộ Giao thông Vận tải đã họp với các địa phương có tuyến cao tốc chạy qua gồm TP.HCM, Long An, Tiền Giang để tìm giải pháp đầu tư mở rộng cao tốc.

Trong đó, tỉnh Tiền Giang đã đề xuất mở rộng đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trong trường hợp đầu tư theo PPP, bộ nghiên cứu báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với đoạn TP.HCM - Trung Lương, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Ban quản lý dự án 7 lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi ngay sau khi được cấp có thẩm quyền bố trí vốn cho công tác chuẩn bị dự án.

Bên cạnh đó, hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm rót tiền để mở rộng tuyến cao tốc này như liên danh Cienco 6 - Coteccons - Thuận Việt; Tập đoàn Đèo Cả; Tổng công ty xây dựng Cảng Trung Quốc...

“Việc sớm đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận là cần thiết. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, lại tập trung cho các dự án cao tốc Bắc - Nam thì việc huy động nguồn lực xã hội hóa là cần thiết”, Bộ Giao thông Vận tải cho biết thêm.

Có thể thấy, nếu cao tốc này được đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến sẽ giúp giảm áp lực cho tuyến Quốc lộ 1A, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM và ngược lại, có ý nghĩa rất lớn đối với việc đẩy mạnh kết nối liên vùng, góp phần tạo động lực, không gian để phát triển kinh tế - xã hội cho 21 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ về chủ trương nghiên cứu đầu tư mở rộng, hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm sớm triển khai đồng bộ toàn tuyến, phát huy hiệu quả đầu tư.

Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, cơ quan chủ quản để tổ chức nghiên cứu phương án đầu tư giai đoạn mở rộng, hoàn thiện tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP hoặc đầu tư công; giao bộ chủ trì triển khai làm việc thống nhất với các địa phương để nghiên cứu đoạn tuyến này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.