Khánh Hòa trước “cơ hội vàng” du lịch tàu biển
Năm 2023, tỉnh Khánh Hòa đón 23 chuyến tàu du lịch biển với trên 45.000 du khách. Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 10 lượt tàu du lịch biển vào vịnh Nha Trang để đưa trên 20.750 du khách lên bờ tham quan thành phố biển này...
Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, dự kiến năm nay sẽ có 43 lượt tàu biển chọn Vịnh Nha Trang làm điểm neo lại để đưa du khách lên bờ tham quan, thưởng ngoạn thành phố Nha Trang. Đây đều những tàu du lịch biển đẳng cấp, sang trọng, phần lớn mang quốc tịch Bahamas, Malta, Marshall Island, Ukraine, Pháp, Italy… Trong đó có nhiều tàu khá lớn, phục vụ hàng nghìn du khách cùng lúc, như tàu Spectrum of The Seas, tàu Quantum of the Seas cùng có sức chứa 4.000 du khách…
NHIỀU SẢN PHẨM MỚI RA MẮT
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh tour và các đơn vị của ngành Du lịch Khánh Hòa đã thiết kế nhiều tour, chương trình tham quan để phục vụ du khách. Với tour tham quan thành phố, ngoài các điểm đến quen thuộc như: Tháp Bà Ponagar, chùa Long Sơn, chợ Đầm…, khách còn được đưa lên các khách sạn cao tầng để ngắm thành phố Nha Trang từ trên cao, tham quan Làng nghề Trường Sơn để tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống, thưởng thức các màn hòa tấu nhạc cụ dân tộc…
Ngoài các tour quen thuộc như: Tham quan thành phố (city tour), tour xích lô, tour biển đảo, tour đạp xe khám phá làng quê vùng ven Nha Trang…, các đơn vị lữ hành chuyên phục vụ khách tàu biển còn mở rộng các tour lên huyện Diên Khánh với trọng điểm là Khu Du lịch Memento ở xã Diên Hòa...
Theo ghi nhận của các đơn vị lữ hành, du khách đến từ châu Âu, Mỹ... rất thích thú khi tham quan các nghề truyền thống, nghe hòa tấu nhạc cụ dân tộc ở Làng nghề Trường Sơn. Nhiều du khách còn hào hứng chơi nhảy sạp, tập đánh đàn đá. Một số đoàn khách tàu biển cũng ghé thăm Bảo tàng Hải dương học để nghe chuyện biển cả, tìm hiểu về chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua chuyên đề “Hiện diện trên Biển Đông”…
Ông Bùi Minh Thắng, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương mại Phương Thắng - chuyên phục vụ tour cho khách du thuyền quốc tế, cho biết theo kế hoạch, trong tháng 1 và 2/2024, công ty dự kiến đón 12 chuyến tàu biển. “Có thể nói du lịch tàu biển đang phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm đại dịch ở cả ở Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang - Khánh Hòa,” ông Thắng nói. “Nha Trang có lợi thế là cảng biển nằm ngay trong thành phố, do đó việc di chuyển tham quan rất thuận lợi so với một số địa phương khác”.
Ông Bùi Minh Thắng đánh giá hiện nay các hãng tàu đang tập trung đóng mới các du thuyền. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh, từ đó giá du lịch bằng tàu biển đã đáp ứng nhu cầu của khách trung lưu. Trước đây, giá tour tàu biển khoảng 3.000 USD thì nay chỉ khoảng 2.000 USD. Trước đây khách chủ yếu là từ châu Âu, Mỹ, Úc thì nay các nước châu Á tham gia rất nhiều.
Đây chính là cơ hội vàng để phát triển du lịch, qua đó đẩy mạnh kinh tế địa phương bằng các sản phẩm dịch vụ đi kèm. “Trung bình mỗi khách đến Nha Trang trong một ngày chi tiêu khoảng 100 USD chưa tính các chi phí khác, có khách khi đến mua sắm ngọc trai từ vài trăm đến vài ngàn USD,” ông Thắng nói.
PHÁT HUY TIỀM NĂNG VÀ LỢI THẾ
Ngày 21/2 vừa qua, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết, việc nhiều tàu biến lớn tới Nhà Trang trong hai tháng đầu năm là tín hiệu tích cực, hướng tới một năm mới đầy lạc quan cho ngành du lịch quốc tế đến Khánh Hòa và du lịch biển Việt Nam nói chung.
Khánh Hòa xác định trong tương lai, khách tàu biển là một trong những nguồn khách chủ lực, quan trọng của ngành du lịch tỉnh. Ngành du lịch tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị du lịch đẩy mạnh truyền thông quảng bá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ; khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp xây dựng những sản phẩm đặc trưng, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp khám phá, trải nghiệm văn hóa địa phương để phục vụ khách quốc tế, trong đó có khách du lịch tàu biển.
“Khảo sát của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho thấy, du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ. Đây cũng là lý do khiến du lịch tàu biển được các nước phát triển trên thế giới ưa chuộng,” bà Lệ Thanh cho biết. “Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, du lịch biển, đảo là một ưu tiên. Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi trên tuyến giao thông hàng hải của khu vực, sở hữu đường bờ biển dài 3.260km, hơn 4.000 hòn đảo… là những điều kiện để có thể trở thành trung tâm du lịch tàu biển của Châu Á”
Để đón và phục tốt hơn lượng khách du lịch quốc tế bằng tàu biển năm 2024, tỉnh Khánh Hòa sẽ có chiến lược đầu tư phù hợp, từ cơ sở hạ tầng cảng biển, dịch vụ, điểm tham quan, đến sản phẩm du lịch… Đồng thời, địa phương kiến nghị cần có cơ chế visa riêng cho du khách nhập cảnh bằng đường thủy, đồng thời quy hoạch những địa phương có tiềm năng đầu tư, xây dựng những cảng biển quốc tế lớn, từ đó liên kết vùng để tổ chức sản phẩm dịch vụ hấp dẫn để khách lưu trú trên bờ lâu hơn.
Bên cạnh đó, theo các đơn vị lữ hành, để thu hút khách du lịch tàu biển, Khánh Hòa cần có thêm nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, mua sắm của khách như: show diễn nghệ thuật, nhà hàng ẩm thực đặc trưng… "Du khách đi tàu biển đến Nha Trang có phàn nàn là muốn mua các đồ thời trang, hàng hiệu quốc tế nhưng không có; đến các khu chợ hay trung tâm mua sắm chỉ có hàng nhái, hàng địa phương hay đồ mỹ nghệ truyền thống… Đây cũng là điều hạn chế vì khách du lịch tàu biển đa số thu nhập cao, do đó chúng ta cần có những khu mua sắm hàng cao cấp để thu hút du khách", ông Bùi Minh Thắng nói.
Hiện nay, theo đại diện các công ty lữ hành quốc tế như: Saigontourist chi nhánh Nha Trang, Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch và Thương mại Phương Thắng, Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours... các điểm du lịch lớn đều cạnh tranh trong việc đón dòng khách cao cấp này bởi bên cạnh lợi nhuận trực tiếp còn có ý nghĩa lớn trong việc truyền thông quảng bá. Vì vậy, Khánh Hòa cần sớm cải tạo hạ tầng cảng biển để tạo thuận lợi cho việc đón tàu, tăng thêm sức cạnh tranh cho du lịch Nha Trang trong những năm tới.