04:05 03/03/2007

Khát lao động đầu năm

Hà Lê

Thông thường sau Tết, tỉ lệ mất lao động của các doanh nghiệp dao động trong khoảng từ 15% đến 20%

Ở những khu công nghiệp tập trung, mức lương cao không đáng kể nhưng giá cả sinh hoạt, dịch vụ lại khá cao khiến đời sống của nhiều công nhân gặp khó khăn - Ảnh: Việt Tuấn.
Ở những khu công nghiệp tập trung, mức lương cao không đáng kể nhưng giá cả sinh hoạt, dịch vụ lại khá cao khiến đời sống của nhiều công nhân gặp khó khăn - Ảnh: Việt Tuấn.
Nếu như vào thời điểm cuối năm, thị trường lao động của Việt Nam sôi động với các chương trình tuyển dụng lao động thời vụ và tuyển dụng nhân lực cao cấp của các doanh nghiệp, thì đầu năm nay, thị trường lao động chuyển “gam” sang lao động phổ thông.

Không chỉ các doanh nghiệp trong nước mà ngay cả các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và khu chế xuất đều trong nỗi lo “tìm lao động làm việc”.

Điểm nóng thiếu hụt lao động nhiều nhất vẫn là các khu chế xuất, khu công nghiệp Tp.HCM. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm các khu chế xuất-khu công nghiệp thành phố cho biết, đầu năm mới nhu cầu tuyển lao động của các nhà đầu tư tăng vọt nhưng ứng viên đến tìm việc làm còn lác đác.

Hiện trung tâm này đang có nhu cầu tuyển gấp 10 ngàn lao động phổ thông với các ngành nghề may mặc, giày da, cơ khí, lắp ráp điện tử ... với mức lương khởi điểm bình quân trên 1 triệu đồng/tháng.

Theo ông Đào Thanh Quyết, Giám đốc nhân sự Công ty Nidec Tosok (Khu chế xuất Tân Thuận) cho biết, công ty hoạt động trở lại vào mùng 6 Tết, số công nhân trở lại nhà máy chiếm 89%. Hai công ty Furukawa và Nissei (chuyên sản xuất linh kiện điện tử) ngay sau Tết cần tuyển trên 3.000 lao động.

Còn tại quận Gò Vấp, hàng chục công ty treo biển tuyển dụng lao động với số lượng lớn như: Công ty Minh Hoàng tuyển 150 công nhân may; Công ty Việt Sang tuyển 200 công nhân may; Công ty Top One tuyển 100 công nhân may...

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thông thường sau Tết, tỉ lệ mất lao động của các doanh nghiệp dao động trong khoảng từ 15% đến 20%. Đó cũng là lý do khiến nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết trở nên căng thẳng.

Tại Đồng Nai, Công ty Hweasung (Hàn Quốc) - Khu công nghiệp Nhơn Trạch và Công ty Tousung (Đài Loan) - Khu công nghiệp Bàu Xéo, cũng tuyển gấp gần 4.000 công nhân may. Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, tình trạng thiếu lao động của tỉnh sẽ tiếp tục trong cả năm 2007. Năm 2007, toàn tỉnh cần 50.000 lao động, trong đó các khu công nghiệp tuyển 40.000 lao động, chủ yếu lao động trong các ngành may, điện, điện tử. Do khan hiếm lao động, dự báo tỉnh sẽ thiếu từ 5.000-7.000 lao động kỹ thuật và 10.000 lao động phổ thông.

Tại Bình Dương, nhu cầu tuyển dụng trong năm là 20.000 lao động. Thế nhưng toàn tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu, số còn lại, doanh nghiệp phải tìm kiếm lao động ở các tỉnh, thành khác…

Theo ông Lâm Duy Tín, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, tỉnh đã tạo điều kiện giúp đỡ cho một số doanh nghiệp thiếu nhiều lao động xuống miền Tây Nam Bộ và ra tận các tỉnh phía Bắc để tuyển người, thế nhưng rất khó khăn. Còn theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, trong khi số lao động mới tuyển vào làm việc chưa đáp ứng yêu cầu tìm người của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thì số lao động nghỉ việc, chuyển đổi chỗ làm việc lại tăng liên tục.

Đây là vấn đề nan giải chung của thị trường lao động ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó nổi cộm là 3 địa phương Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương.

Lý giải về sự thiếu hụt và khó khăn trong tuyển dụng lao động, theo các chuyên gia lao động, sự xuất hiện khá nhiều các khu công nghiệp tại nhiều tỉnh thành đã khiến cho người lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm tại chỗ.

Trong khi đó, ở những khu công nghiệp tập trung, mức lương cao không đáng kể nhưng giá cả sinh hoạt, dịch vụ lại khá cao khiến đời sống của nhiều công nhân gặp khó khăn. Thu nhập tại đây chỉ mới đáp ứng được nhu cầu thiết yếu, chưa có tích luỹ. Điều này cũng khiến cho nhiều lao động đã đơn phương phá vỡ hợp đồng để đến với doanh nghiệp có thu nhập cao hơn, thậm chí không ít người trở về quê cũ.

Bên cạnh đó, những vấn đề như: hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, lương và các lợi ích hợp pháp khác của người lao động đã được không ít doanh nghiệp làm ngơ, hoặc thể hiện trong văn bản thiếu minh bạch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đơn phương phá vỡ hợp đồng của người lao động.