10:33 24/08/2022

Khi nào xử lý dứt điểm số điện thoại lạ lừa đảo khiến nhiều gia đình mất tiền tỷ?

Thủy Diệu

Thời gian qua, người dân bị hàng loạt số điện thoại lạ, điện thoại mạo danh công an, ngân hàng, các công ty cho thuê tài chính hăm dọa, lừa đảo, người dân nhẹ dạ cả tin nên nhiều gia đình mất tiền tỷ. Lừa đảo này diễn ra ở nhiều tỉnh, nhiều địa phương, với quy mô lớn...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện ngăn chặn hơn 53 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lợi dụng công nghệ VoIP giả mạo số điện thoại (gần 9 triệu cuộc/tháng) - Ảnh minh họa.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện ngăn chặn hơn 53 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lợi dụng công nghệ VoIP giả mạo số điện thoại (gần 9 triệu cuộc/tháng) - Ảnh minh họa.

Vậy giải pháp của ngành trong thời gian tới, các nhà mạng quản lý đầu số điện thoại như thế nào và đến khi nào thì các tồn tại này được xử lý dứt điểm?

Trả lời nội dung chất vấn trên của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, trong công văn vừa công bố trên website, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thời gian qua, như phản ánh của Đại biểu, xuất hiện tình trạng các đối tượng sử dụng số điện thoại, công nghệ gọi điện dựa trên giao thức Internet (VoIP) để thực hiện các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo (giả mạo các số điện thoại của Công an, Viện kiểm sát, Ngân hàng...).

Hiện tượng này đã và đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới và các nước chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng đây là mặt trái của công nghệ.

 
"Sau khi các thuê bao điện thoại di động được rà soát chính xác theo thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp chuẩn hoá thông tin thuê bao, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi mạo danh".

Để ngăn chặn, xử lý tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, triển khai nhiều biện pháp như: Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác thay thế Nghị định số 90/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chống thư rác và Nghị định số 77/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP, Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã đưa ra nhiều quy định mới nhằm hạn chế cuộc gọi rác như: (1) Đưa ra phân loại xác định cuộc gọi rác (Khoản 3, Khoản 5 Điều 3); (2) Đưa ra 8 biện pháp quản lý nhằm hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác trong đó có việc xây dựng bộ tiêu chí nhận diện tin nhắn rác và quy định về Danh sách không nhận quảng cáo (Do not Call);

Hay trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP trong đó đã tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe đối với hành vi phát tán tin nhắn rác, cuộc gọi rác (Điều 94); Ban hành Thông tư 22/2021/TT-BTTTT ngày 13/12/2021 quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 91/2020/NĐ-CP trong đó đưa ra các tiêu chí đề nghị các doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng nhằm ngăn chặn cuộc gọi rác; Triển khai cổng tiếp nhận phản ánh về tin nhắn rác, cuộc gọi rác của người sử dụng (thông qua đầu số tin nhắn 5656 và cổng thông tin https://thongbaorac.ais.gov.vn/).

Đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan (Bộ Công an,…) để phát hiện, xử lý các trường hợp sai phạm; đồng thời tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật xử lý, ngăn chặn, theo đó trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện ngăn chặn hơn 53 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lợi dụng công nghệ VoIP giả mạo số điện thoại (gần 9 triệu cuộc/tháng).

Các doanh nghiệp cũng đã xây dựng các tiêu chí chặn lọc cuộc gọi rác (gọi đi với số lượng lớn, tần suất cuộc gọi đi trong ngày, thời gian thực hiện cuộc gọi ngắn…), trong 6 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp đã chặn (khoá, huỷ) hơn 150 nghìn thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết thêm hiện Bộ đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai rà soát giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao tập trung của doanh nghiệp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cập nhật lại thông tin của chủ thuê bao, lấy thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân làm thông tin gốc bảo đảm hoàn thành trước ngày 30/9/2022.

Sau khi các thuê bao điện thoại di động được rà soát chính xác theo thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp chuẩn hoá thông tin thuê bao, từ đó giúp ngăn chặn tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi mạo danh.