12:07 23/07/2012

Khi nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng tăng mạnh

Duy Cường - Nhật Bình

Tốc độ tăng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ở nhiều ngân hàng đang tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay

Nợ xấu ngân hàng tính đến 30/6/2012 và khoản dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm của các ngân hàng - Nguồn: Báo cáo tài chính riêng lẻ các ngân hàng.
Nợ xấu ngân hàng tính đến 30/6/2012 và khoản dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng đầu năm của các ngân hàng - Nguồn: Báo cáo tài chính riêng lẻ các ngân hàng.
Tốc độ tăng nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) ở nhiều ngân hàng đang tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay.

Ngày 12/7, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ.

Tuy nhiên, theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đến 31/3/2012 nợ xấu là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ.

Khảo sát báo cáo tài chính riêng lẻ của 6 ngân hàng niêm yết, gồm Vietcombank, VietinBank, ACB, MB, Eximbank và Navibank, cho thấy, tính đến 30/6, tổng dư nợ của 6 nhà băng đạt 753.725 tỷ đồng, tổng nợ xấu là 18.942 tỷ đồng, tương đương 2,51% tổng dư nợ.

Tính toán cho thấy, trong số 6 ngân hàng niêm yết nêu trên, Navibank có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, với 3,86%, kế đến là Vietcombank (3,47%), VietinBank (2,45%), MB (1,82%), Eximbank (1,73%), ACB (1,53%).

Khi nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng tăng mạnh - Ảnh 1

Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tính đến 30/6/2012 - Nguồn: Báo cáo tài chính riêng lẻ của các ngân hàng.

Nhìn vào số liệu trên có thể thấy tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng này tương đối thấp, thậm chí rất thấp so với mặt bằng chung nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tất nhiên, như đã nói ở trên, số liệu của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng khác biệt hẳn so với số liệu ngân hàng báo cáo.

Điểm đáng chú ý liên quan đến nợ xấu ngân hàng là việc gia tăng nợ có khả năng mất vốn. Điển hình là trường hợp của VietinBank. Tính đến 30/6, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của ngân hàng này lên 2.254 tỷ đồng - tăng 147% so với mức 912,45 tỷ đồng hồi đầu năm nay.

Tương tự, với Vietcombank, nợ có khả năng mất vốn đến 30/6 là 3.897 tỷ đồng - tăng trên 71% so với mức 2.277 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái. Đáng chú ý, nợ xấu (nhóm 3 đến nhóm 5) của Vietcombank đã tăng mạnh lên 7.430 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ xấu 3,47%, bất chấp tăng trưởng tín dụng đã nới thêm 2,95% so với đầu năm nay.

Với ACB, nợ có khả năng mất vốn của nhà băng này đã lên 607 tỷ đồng, tăng 104,15% so với mức 297,33 tỷ đồng hồi cuối năm ngoái.

Đối với Navibank, nợ có khả năng mất vốn đến hết quý 2 lên 231 tỷ đồng, tăng gần 33% so với mức 174,4 tỷ đồng cuối năm ngoái.

Khi nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng tăng mạnh - Ảnh 2
Nguồn: Báo cáo tài chính riêng lẻ của các ngân hàng.

Cho dù con số tuyệt đối nợ có khả năng mất vốn của nhiều ngân hàng không phải là quá lớn so với lợi nhuận họ tạo ra, nhưng tốc độ tăng nợ xấu nói chung và nợ có khả năng mất vốn nói riêng, đang tạo nên sự cảnh báo không thể lơ là.

Và chính vì nợ xấu tăng khiến nhiều ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, nên lợi nhuận của nhiều nhà băng sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.