15:14 27/09/2010

Khiếu nại, tố cáo tăng do phát triển kinh tế quá nóng?

Nguyên Hà

Nguyên nhân nào khiến tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2010 tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp?

Trong năm 2010 các cơ quan Nhà nước đã tiếp nhận 157.779 đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Trong năm 2010 các cơ quan Nhà nước đã tiếp nhận 157.779 đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2010 vẫn tiếp tục tăng và diễn biến phức tạp có nguyên nhân do tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -  Ngân sách Phùng Quốc Hiển mở đầu phần thảo luận khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2010, sáng 27/9.

Và, con số cả đơn thư khiếu nại, tố cáo cùng tăng hơn 29% (157.797 đơn của 112.063 vụ việc) được nêu tại báo cáo này đã không chỉ khiến một mình Chủ nhiệm Hiển lo ngại.

Song, điều ông Hiển “rất băn khoăn” ở đây là, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao, năm 2010 khoảng 6,7% (theo giá cố định), còn theo giá hiện hành có thể lên đến 14 -15%. Thu nhập đầu người cũng tăng, vậy thì nguyên nhân nào khiến người dân “toan lo nghèo khó, côi cút làm ăn” lại phải kéo nhau lên huyện, lên tỉnh, thậm chí lên Trung ương để khiếu kiện?

Người đứng đầu cơ quan chuyên thẩm tra về tài chính, ngân sách của Quốc hội tiếp tục phân tích: chi cho quản lý hành chính vẫn tăng, biên chế cũng có xu thế tăng lên, lương cũng tăng… vậy thì tại sao không đi đôi với tăng hiệu quả giải quyết công việc và giải quyết khiếu nại, tố cáo?

Nguyên nhân thuộc về cơ chế hay tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nóng, phát triển kinh tế chưa đi đôi với giải quyết vấn đề xã hội?, ông Hiển đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Cũng theo ông Hiển, nếu chỉ đổ tại cơ chế mà không quan tâm đến con người thì rất khó có thể cải thiện được tình hình. Vì không chỉ riêng người giải quyết khiếu nại, tố cáo mà đội ngũ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Nhiều cán bộ xã làm sai không biết là sai vì mới chỉ học hết trung học, cán bộ huyện cũng yếu nên cứ tích tụ lại và dồn đơn thư lên cấp cao hơn.

Cho biết đã “đọc đi đọc lại báo cáo”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Quang Bình nhận xét, về cơ bản thì báo cáo không có gì mới, chỉ có cái mới là khiếu nại, tố cáo đều tăng so với 2009. Còn về  tính chất thì vẫn kéo dài gay gắt, nhiều vụ kéo dài có chỉ đạo từ Thủ tướng nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Bên cạnh số đơn thư, vụ việc tăng, một số ý kiến cũng băn khoăn khi khiếu kiện đông người cũng tăng 43,11%, theo báo cáo của Chính phủ.

Tuy nhiên, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng “độ chính xác của số liệu là không có đâu vì không thể nào thống kê đúng được”. Một người có thể gửi đơn thư đến nhiều cơ quan, nhiều người nhưng nơi giải quyết thì chỉ có một nên thống kê chính xác là rất khó, ông Vượng giải thích.

Thừa nhận việc thống kê “rất khó”, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cũng cho biết những con số được nêu tại báo cáo chỉ là khiếu kiện hành chính, chưa bao gồm bên tư pháp.

Vị tổng thanh tra cũng nêu thực tế, địa phương nào công nghiệp hóa nhanh, nhiều dự án lớn thì sẽ tăng khiếu kiện. Song nhiều vụ việc không có điểm dừng, vì giải quyết đúng pháp luật rồi dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, “làm cho dân hoàn toàn thỏa mãn thì không thể có”, ông Truyền nói.

Tại báo cáo, Chính phủ cũng đã xác định nhiều giải pháp cho năm 2011, song theo đánh giá của cơ quan thẩm tra thì đa số "đã được nêu ra từ nhiều năm trước song chưa có đánh giá kết quả thực hiện thế nào”.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cũng nêu thực trạng khi đi thực tế thì thấy việc kiểm tra giải quyết khiếu nại tố cáo rất hiếm hoi,  nhiều xã mấy chục năm chả có "ông Chính phủ" nào đến cả.  Kiểm tra là điểm yếu, phải nhìn nhận nghiêm túc, phải xem cả trách nhiệm của Quốc hội đến đâu, ông nhấn mạnh.

Còn vị Trưởng ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ thành lập 1 bộ phận bao gồm các cán bộ có năng lực tập trung 1 thời gian giải quyết các vụ việc bức xúc kéo dài, xem thực tế vướng mắc gì thì xin ý kiến giải quyết. Tránh trường hợp năm nào họp cũng nêu nhiều vụ việc bức xúc kéo dài, nhưng “họp rồi đâu lại vào đấy”.

Một số vị thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần báo cáo rõ kết quả  việc chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự đối với những vụ việc đã được chuyển đến như thế nào; kết quả việc thực hiện những kiến nghị qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo đặt ra. Chẳng hạn việc thu hồi đất đai, tiền bạc cho Nhà nước và tập thể, cá nhân đã được thực hiện ra sao.

Bởi theo báo cáo của Chính phủ thì qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 48.187 triệu đồng; 63,35ha đất; trả lại cho tập thể, công dân 50.982 triệu đồng, 123ha đất; minh oan cho 215 người, trả lại quyền lợi cho 1.524 người; kiến nghị xử lý hành chính 754 người, chuyển cơ quan điều tra xem xét trách nhiệm hình sự 46 vụ việc với 89 người….

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý, dù đây là báo cáo gửi đến để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu, nhưng không có nghĩa là làm thế nào cũng được mà phải đảm bảo chất lượng. Vì thế cần tiếp thu hoàn chỉnh thêm trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp tới.