11:00 10/01/2022

Kho bạc Nhà nước dự kiến huy động 105.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong quý 1/2022

Trong quá trình thực hiện, Kho bạc có thể sẽ điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách...

Thực hiện nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách trung ương năm 2022, Kho bạc Nhà nước vừa thông báo kế hoạch đấu thầu trái phiếu Chính phủ qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong quý 1/2022.

Theo đó, tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ là 105.000 tỷ đồng, bao gồm cả khối lượng phát hành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Khối lượng dự kiến theo kỳ hạn như sau: Kỳ hạn 5 năm dự kiến phát hành 5.000 tỷ đồng; kỳ hạn 7 năm dự kiến phát hành 5.000 tỷ đồng; kỳ hạn 10 năm dự kiến phát hành 35.000 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm dự kiến phát hành 40.000 tỷ đồng; kỳ hạn 20 năm dự kiến phát hành 10.000 tỷ đồng; kỳ hạn 30 năm dự kiến phát hành 10.000 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện có thể sẽ điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách Nhà nước.

 

Trong năm 2021, tính đến ngày 15/12, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát đối với các khoản chi thường xuyên đạt 883,1 nghìn tỷ đồng, bằng 83,1% dự toán; chi đầu tư đạt 302,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán. Thông qua kiểm soát chi, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối thanh toán với số tiền 22,6 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Kho bạc Nhà nước diễn ra tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng lưu ý, năm 2022, nhiệm vụ đặt ra với ngành tài chính nói chung và Kho bạc Nhà nước nói riêng là rất nặng nề.

Ông Hưng cho rằng, trước hết, trong công tác huy động vốn, năm 2022, dự đoán bội chi sẽ tiếp tục tăng và hiện tại, Chính phủ đang trình Bộ Chính trị để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường đầu năm chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế.

"Vì vậy, nhiệm vụ huy động vốn sẽ là khá nặng nề, đòi hỏi Kho bạc Nhà nước phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm. Cùng với đó, công tác kiểm soát vốn đầu tư cũng cần tiếp tục tăng cường trong năm tới vì sẽ có những dự án mới trong gói phục hồi kinh tế", ông Hưng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Luận, đoàn đại biểu tỉnh Yên Bái, về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sắp tới, Chính phủ cần có giải pháp điều tiết tiền tệ hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành trái phiếu Chính phủ và để các tổ chức tín dụng tiếp tục đầu tư mua trái phiếu Chính phủ.

"Tôi đề nghị cần tính toán lãi suất của trái phiếu Chính phủ hợp lý, phù hợp với mặt bằng chung của lãi suất các ngân hàng, tránh trường hợp các ngân hàng, các tổ chức tín dụng thấy lãi suất của trái phiếu Chính phủ hấp dẫn sẽ không chú trọng cho vay sản xuất, kinh doanh mà lại dành nguồn lực lớn đầu tư mua trái phiếu Chính phủ thì sẽ không đạt được hiệu quả của chính sách như kỳ vọng", ông Nguyễn Quốc Luận nêu ý kiến.