09:05 19/09/2012

Khó “chốt” mô hình ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng

Nguyên Sa

Chưa có sự thống nhất cao về quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chọn phương án hai - Ảnh: LN.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chọn phương án hai - Ảnh: LN.
Chính phủ đề xuất ba, cơ quan thẩm tra chọn một, bàn đi tính lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều 18/9 cũng không đạt được sự thống nhất cao về quy định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Theo dự án luật, phương án  một xác định rõ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng bí thư đứng đầu.

Phương án hai chỉ quy định trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban này.

Còn phương án ba, nằm trong sự lựa chọn của cơ quan thẩm tra, xác định Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là cơ quan của Đảng, không phải là cơ quan nhà nước, cho nên sẽ không quy định về mô hình này.

“Phê” Chính phủ trình cả ba phương án là chưa thể chế hóa được quyết định của Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị cứ lấy phương án một, song không nên quá cụ thể như dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung lý “chấm” phương án hai, trong khi Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lại đề nghị chọn phương án ba.

Dù đã nghe nhiều chiều phân tích, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, ông vẫn chưa nghĩ được cách nào để diễn đạt hay nhất về nội dung này. Điều ông lưu ý, ban chỉ đạo sẽ chỉ đạo phòng chống tham nhũng chứ không phải là cơ quan trực tiếp làm công việc này. Để ban này ở Chính phủ thì thấy không ổn rồi, nếu để ở Quốc hội thì đặt câu hỏi cơ quan lập pháp sao lại chỉ đạo, cuối cùng đưa về Đảng để Đảng lãnh đạo luôn, ông phân tích.

Nhưng ông cũng quan ngại là sửa luật thế nào đừng để gây sự hiểu nhầm là “phú quý giật lùi” vì luật hiện hành có quy định về ban chỉ đạo mà luật mới thì “mất”.

Theo Chủ tịch, dự án luật cũng cần quan tâm đến các cơ quan trực tiếp đấu tranh phòng chống tham nhũng, vì hiện nay kiểm toán không thấy tham nhũng, thanh tra cũng ít phát hiện và điều tra cũng chả tìm được mấy.

Kỳ họp tới Quốc hội sẽ thảo luận rất sâu về nội dung phòng chống tham nhũng và các bộ trưởng sẽ đăng đàn gần như trả lời chất vấn khi thảo luận để từ đó sửa luật cho tốt hơn, Chủ tịch cho biết.

Bên cạnh nội dung nói trên, nhiều vấn đề khác được sửa đổi, bổ sung tai dự án luật cũng chưa mấy thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn phân tích có đến 61/110 điều của dự thảo luật là dành cho phòng ngừa tham nhũng, còn chương xử lý tham nhũng chỉ vẻn vẹn có 4 điều. Mà ở đây lại không thấy có biện pháp gì là mạnh, chưa có tính răn đe.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, mong muốn sửa đổi toàn diện của Chính phủ chưa thể hiện được qua dự thảo luật, khi tính khả thi còn thấp. Đặc biệt là ở nội dung kiểm soát và kê khai, công khai thu nhập, tài sản.