08:43 09/10/2008

Khó như… gọi vốn từ chứng khoán!

Hoàng Vũ

Liên tiếp những đợt phát hành thất bại hoặc phải trì hoãn. Phía sau đó là những kế hoạch kinh doanh dở dang, cơ hội bị bỏ lỡ

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 8 tháng đầu năm, tính chung nguồn vốn doanh nghiệp huy động được qua thị trường chứng khoán chỉ bằng khoảng 20% so với năm 2007.
Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 8 tháng đầu năm, tính chung nguồn vốn doanh nghiệp huy động được qua thị trường chứng khoán chỉ bằng khoảng 20% so với năm 2007.
Liên tiếp những đợt phát hành thất bại hoặc phải trì hoãn. Phía sau đó là những kế hoạch kinh doanh dở dang, cơ hội bị bỏ lỡ…

Hai lần công ty A lên sàn gọi vốn, cả hai lần số nhà đầu tư mở hầu bao đếm chưa kín đầu ngón tay. Đến giờ tổ chức đấu giá cổ phần công ty B, kiểm lại chỉ có mỗi 1 tờ phiếu tham dự… Gọi vốn từ chứng khoán không còn thuận lợi như hơn một năm về trước.

Khó gọi nhà đầu tư

Ngày 14/7/2008, Công ty Đầu tư Xây dựng 3/2 tổ chức đấu giá cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE). 5.634.500 cổ phần được chào hàng trong lần này, nhưng đến thời điểm chốt danh sách tham gia chỉ có vẻn vẹn 7 nhà đầu tư với 98.100 cổ phần đặt mua. Kết quả, khối lượng cổ phần bán được chỉ đạt 79.100 đơn vị, chưa đầy 1,5% lượng chào bán.

Và ngày 30/9 vừa qua, công ty này tiếp tục tổ chức đấu giá 5.555.400 cổ phần còn dư ở đợt trước. Điểm đáng chú ý là giá khởi điểm đã được lùi hẳn về mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần) thay cho mức của đợt trước (10.200 đồng/cổ phần), nhưng cũng chỉ có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia; và qua lần này chỉ bán được thêm 13.000 cổ phần.

Cũng chỉ có vẻn vẹn 5 nhà đầu tư tham gia, nhưng cuộc đầu giá mới đây (ngày 2/10) của Công ty Cổ phần Pymepharco lại đạt kết quả khả quan. Hơn 1 triệu cổ phần được chào bán và bán gọn. Tuy nhiên, sự tham gia ít ỏi của số lượng nhà đầu tư, chênh lệch đặt mua – đặt bán hạn chế đã thu hẹp tính cạnh tranh về giá; trong khi giá đấu thành công và giá trị thu về được xem là một trong những yếu tố cấu thành thành công của đợt đấu giá.

Mới đây nhất, theo thông báo của HOSE đầu tuần này, phiên đấu giá cổ phần Công ty Phát triển Nhà Minh Hải buộc phải hủy bỏ do đến giờ đấu giá chỉ có mỗi 1 phiếu tham gia của nhà đầu tư Công ty Chứng khoán Vincom mang tới.

Khá hơn, một số cuộc đấu giá thu hút nhà đầu tư tham gia nhiều hơn, nhưng vẫn không thể huy động được nguồn vốn dự kiến, lượng hàng bán được chỉ ở phần lẻ. Như tại cuộc đấu giá cổ phần Xí nghiệp Thức ăn chăn nuôi và Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Duyên Hải, có 63 nhà đầu tư tham gia nhưng cũng chỉ bán được hơn 22% lượng cung. Hay tại cuộc đấu giá cổ phần Tổng công ty Đường sông miền Nam, có 61 nhà đầu tư tham gia nhưng cũng chỉ bán được 16% lượng chào bán…

Điểm lại, theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 8 tháng đầu năm, tính chung nguồn vốn doanh nghiệp huy động được qua thị trường chứng khoán chỉ bằng khoảng 20% so với năm 2007 (trong năm 2007, tổng nguồn vốn huy động được khoảng 90.000 tỷ đồng).

Cân nhắc để đánh đổi

Thị trường chứng khoán suy giảm, các cuộc đấu giá, phát hành gọi vốn rơi vào khó khăn. Trong khó khăn đó, sự đánh đổi của doanh nghiệp trở nên thận trọng hơn.

Bên cạnh sự thất bại trong gọi vốn, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp không đảm bảo, kế hoạch cổ phần hóa đình trệ…, kết quả những cuộc đấu giá “đìu hiu” còn có thể ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh của doanh nghiệp. Tất nhiên, trong ảnh hưởng này có yếu tố khách quan là tính thời điểm và bối cảnh của thị trường.

Với các doanh nghiệp phát hành thêm, pha loãng giá trị khi giá chứng khoán đã giảm sâu cũng là một sự đánh đổi cần cân nhắc. Về sự đánh đổi này, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng, doanh nghiệp cần tính toán chặt chẽ lượng vốn huy động được, cân đối với yêu cầu sản xuất kinh doanh để tránh pha loãng giá trị cổ phiếu và khó huy động vốn về sau.

Còn theo ông Nguyễn Băng Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Gilimex, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết, cùng với sự tính toán đó, khả năng thành công của các đợt gọi vốn cũng cần tính toán thận trọng bởi phía sau đó là sự đánh đổi các cơ hội kinh doanh và hiệu quả hoạt động chung của doanh nghiệp.

Mặt khác, trong điều kiện hiện nay, gọi vốn với giá thấp, cổ tức cũng là một sự đánh đổi, là áp lực mà doanh nghiệp phải tính đến.

“Hiện nay nhà đầu tư cầm tiền và lựa chọn. Họ chỉ đầu tư ở những phương án gọi vốn thực sự hiệu quả. Ngay cả khi phát hành bằng mệnh giá mà nếu trả cổ tức dưới 20% thì chưa chắc nhà đầu tư đã mua. Nhưng nếu trả cổ tức cao lại là một áp lực đối với doanh nghiệp trong sử dụng vốn”, ông Tâm nói.

Một năm trước, các kế hoạch gọi vốn từ thị trường chứng khoán thuận lợi, thậm chí đạt giá cao, thặng dư lớn. Nhưng nay, gọi vốn giá thấp và khó thành công, nên ông Tâm cho rằng doanh nghiệp càng phải cân nhắc giữa các lợi ích, không nhất thiết phải phát hành bằng được mà có thể tìm đến nguồn vốn ngân hàng để chi phí thấp hơn, thuận lợi hơn…

“Tất nhiên, với những phương án gọi vốn hợp lý, cho những dự án, kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh thực sự hiệu quả thì việc gọi vốn từ chứng khoán vẫn rất cần thiết. Trong việc hạn chế các đợt phát hành, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề với Ủy ban Chứng khoán là cần có sự xem xét cụ thể tính hiệu quả của các phương án, tránh đánh đồng với những phương án không tốt”, ông Tâm nói thêm.

Nhưng ngay cả những doanh nghiệp lớn, uy tín, đã dày công xây dựng các phương án kinh doanh, việc gọi vốn thời điểm này cũng là một thử thách về khả năng thành công và giá trị mang lại. Và mới đây, một số doanh nghiệp niêm yết lớn cũng đã lần lượt phải quyết định hoãn các kế hoạch phát hành thêm, chờ qua kỳ khó khăn...