00:28 21/06/2019

Khởi động dự án nâng cao tính công bằng và minh bạch của thị trường chứng khoán

Nguyễn Tuyến

Dự án được ký kết giữa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại hội thảo sáng ngày 20/6.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát biểu tại hội thảo sáng ngày 20/6.

Sáng ngày 20/6, hội thảo khởi động "Dự án Tăng cường năng lực về nâng cao tính công bằng và minh bạch của thị trường Cổ phiếu Việt Nam" được tổ chức tại Hà Nội. Đây là dự án được ký kết bởi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Dự án kéo dài 3 năm từ tháng 3/2019 đến tháng 2/2022 với mục tiêu nâng cao năng lực của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và các sở giao dịch trong việc thực thi những giải pháp đẩy mạnh tính công bằng và minh bạch của thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Trong khuôn khổ dự án này, nhóm tư vấn của JICA gồm những chuyên gia hàng đầu từ Tập đoàn Chứng khoán Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Daiwa, Viện Nghiên cứu Nomura, sẽ hỗ trợ trực tiếp cho Uỷ ban Chứng khoán và hai Sở Giao dịch Hà Nội và Tp.HCM, với các hoạt động như tư vấn chặt chẽ, triển khai các hoạt động nâng cao năng lực nhằm cập nhật các hướng dẫn hoạt động nội bộ, và xem xét sửa đổi khung pháp lý liên quan. Trong khuôn khổ dự án, JICA sẽ hỗ trợ 4 đầu ra: gồm giám sát thị trường, giám sát trung gian thị trường, quản lý niêm yết, và bảo vệ nhà đầu tư. 

Tại hội thảo, nhóm tư vấn của JICA đã báo cáo những phát hiện chính của cuộc khảo sát đầu kỳ về thị trường chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường. Theo kết quả khảo sát ban đầu, nhóm tư vấn của JICA nhận định 5 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những tăng trưởng vượt bậc và dự báo sẽ còn tăng trưởng mạnh hơn nữa với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay.

"Qua giai đoạn phát triển về quy mô sẽ tới giai đoạn nâng cao chất lượng của thị trường. Chính phủ Việt Nam đã có phương hướng cải thiện tính minh bạch, công bằng của thị trường, đây là phương hướng đúng đắn. Chúng tôi kỳ vọng dự án của JICA sẽ đóng góp phần nào vào mục tiêu này", ông Ryota Sugishita, Trưởng nhóm tư vấn của JICA, phát biểu khi trình bày về kết quả khảo sát đầu kỳ. "Chúng tôi không muốn áp dụng nguyên cách làm của Nhật Bản mà sẽ cùng các chuyên gia Việt Nam để đưa ra những lời khuyên phù hợp cho Việt Nam".

Nhóm tư vấn JICA đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn chuyển đổi đặc biệt quan trọng với việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và xây dựng luật mới về chứng khoán.

Theo khảo sát, nhóm tư vấn cho rằng việc hợp nhất hơn nữa trong lĩnh vực chứng khoán tại Việt Nam được kỳ vọng tiến hành như đã đề cập trong Quyết định số 242/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về cơ cấu lại thị trường chứng khoán. 

Bên cạnh đó, nhóm tư vấn nhận định trong tương lai, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán có khả năng sẽ đóng vai trò sâu rộng hơn. Song song với việc ứng dụng Luật Chứng khoán (sửa đổi) và thành lập Ủy ban Chứng khoán Việt Nam, các yêu cầu về niêm yết hiện hành cũng sẽ được rà soát lại.

Ông Ryota Sugishita cho biết, không giống các thị trường lớn hơn, các điều kiện niêm yết hiện hành tại thị trường Việt Nam mới chỉ gồm các yêu cầu về định lượng, mà chưa có các yêu cầu về định tính - được xem là những điều kiện thực chất hơn.

Trưởng nhóm tư vấn của JICA lấy ví dụ về các điều kiện định tính trên Sàn Giao dịch Chứng khoán Nhật Bản (JPX), bao gồm tính liên tục và sinh lời của doanh nghiệp, sự lành mạnh trong quản trị doanh nghiệp, hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp và hệ thống quản lý nội bộ của doanh nghiệp, tính chính xác trong công bố thông tin của doanh nghiệp... Ông Ryota Sugishita cho biết kết quả khảo sát cho thấy bên cạnh việc sửa đổi các yêu cầu về định lượng hiện hành, việc đưa các yêu cầu định tính cũng đang được đưa vào thảo luận.

Về phía lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết, kết quả khảo sát của nhóm tư vấn JICA nhận thấy quản lý của một số doanh nghiệp niêm yết hiểu về trách nhiệm bảo vệ nhà đầu tư của mình. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.

Dự án được kỳ vọng sẽ mang đến những thông lệ quốc tế tốt nhất cho Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao quan trọng khi Luật Chứng khoán đang được xem xét sửa đổi, bản "Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn đến 2025" vừa được cập nhật, cũng như hai sở giao dịch chứng khoán tại Hà Nội và Tp.HCM sẽ sớm được hợp nhất trong mô hình Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.