19:26 17/12/2011

Khối ngân hàng cổ phần đang mạnh lên

Minh Đức

Khối các ngân hàng cổ phần đang mạnh lên ở quy mô cũng như khả năng chiếm lĩnh thị phần so với các khối thành viên khác

Dự kiến trong 5 năm tới sẽ có khoảng 8 - 10 ngân hàng thương mại cổ phần là trụ cột cho hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Dự kiến trong 5 năm tới sẽ có khoảng 8 - 10 ngân hàng thương mại cổ phần là trụ cột cho hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Khối các ngân hàng cổ phần đang mạnh lên ở quy mô cũng như khả năng chiếm lĩnh thị phần so với các khối thành viên khác trong hệ thống.

Hiện nay, hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam có 5 ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước hoặc nhà nước nắm tỷ lệ sở hữu chi phối, 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 4 ngân hàng liên doanh, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 54 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Bên cạnh đó còn có 18 công ty tài chính và 12 công ty cho thuê tài chính, 1 quỹ tín dụng nhân dân trung ương và 1.085 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, 1 tổ chức tài chính quy mô nhỏ.

Dữ liệu cập nhật của Ngân hàng Nhà nước qua các tháng từ cuối năm 2009 đến nay cho thấy hệ thống các ngân hàng thương mại không ngừng lớn mạnh và có tốc độ tăng trưởng nhanh về quy mô. Trong đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần đang thể hiện sự tăng trưởng nhanh, cũng như khả năng chiếm lĩnh thị phần mạnh hơn các khối còn lại.

Tính đến cuối tháng 10/2011, tổng tài sản của hệ thống các ngân hàng thương mại là 4.713,2 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cuối năm 2010. Khối ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân đó với 16,4% so với cuối năm 2010.

Thống kê cho thấy, những năm gần đây thị phần của khối ngân hàng thương mại nhà nước đang giảm dần; năm 2009 là 47,6%, năm 2010 là 41,3% và đến cuối tháng 10/2011 còn 39%. Thay vào đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của khối ngân hàng thương mại cổ phần với thị phần về tổng tài sản tăng dần qua các năm; năm 2009 là 41,2%, năm 2010 là 44,3% và đến cuối tháng 10/2011 là 45,4%.

Thị phần khối ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài biến động không lớn với tỷ trọng khoảng 12% xuống còn 11,3%.

Về tín dụng, đến cuối tháng 10/2011, khối ngân hàng thương mại nhà nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng với 51,3%; khối ngân hàng thương mại cổ phần chiếm tỷ trọng 35,3%.

Ngược lại, về huy động vốn trên thị trường 1, đến cuối tháng 10/2011, khối ngân hàng thương mại cổ phần lại chiếm tỷ trọng lớn nhất với 45,2%; khối ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tỷ trọng 43,8%; khối các tổ chức tín dụng nước ngoài chiếm tỷ trọng 7,5%.

Với sự lớn mạnh nói chung của khối các ngân hàng thương mại cổ phần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình mới đây cũng đưa ra kỳ vọng rằng, trong khoảng 5 năm tới, trong khối này sẽ có 8 - 10 thành viên thực sự lớn mạnh, hoạt động tốt để làm trụ cột cho cả hệ thống.