16:53 20/05/2013

Khối ngoại có thể được sở hữu vượt “room” ngân hàng nội?

Thùy Duyên

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ bổ sung quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam

Chủ tịch ABBank Vũ Văn Tiền và đại diện cổ đông chiến lược nước ngoài tại lễ công bố phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và MayBank ngày 23/4/2013.<br>
Chủ tịch ABBank Vũ Văn Tiền và đại diện cổ đông chiến lược nước ngoài tại lễ công bố phát hành cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và MayBank ngày 23/4/2013.<br>
Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết đã xây dựng trình Chính phủ ký ban hành nghị định thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP.

Hiện  Nghị định 69/2007/NĐ-CP ngày 20/4/2007 của Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng Việt Nam (30%) phù hợp với cam kết mở rộng thị trường của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có thể sở hữu tối đa 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Căn cứ tỷ lệ mức sở hữu cổ phần của một cổ đông (15%) được quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu các ngân hàng cổ phần yếu kém tại Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng trình Chính phủ ký ban hành nghị định thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP.

Theo đó, mức sở hữu cổ phần tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là 20% không phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý là nội dung trình bổ sung quy định, trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của các nhà đầu tư nước ngoài đó tại một tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định trên đối với từng trường hợp cụ thể.