Khối ngoại tiếp tục gom mạnh, cổ phiếu bất động sản vẫn chưa được giải cứu
Mức giảm 17,51 điểm tương đương 1,83% của VN-Index chốt phiên sáng nay là đã bớt tiêu cực đáng kể so với đầu ngày. Vài trụ lớn như VIC, CTG, GAS, VCB chuyển biến tốt không khỏa lấp được số lớn cổ phiếu khác lao dốc. Nhóm bất động sản tiếp tục chứng kiến tình trạng giảm sàn la liệt....
Mức giảm 17,51 điểm tương đương 1,83% của VN-Index chốt phiên sáng nay là đã bớt tiêu cực đáng kể so với đầu ngày. Vài trụ lớn như VIC, CTG, GAS, VCB chuyển biến tốt không khỏa lấp được số lớn cổ phiếu khác lao dốc. Nhóm bất động sản tiếp tục chứng kiến tình trạng giảm sàn la liệt.
Điểm nhấn khá rực rỡ sáng nay là dòng vốn ngoại vẫn đang tích cực gom vào. HoSE nhận được 888,4 tỷ đồng mua, trong khi chỉ bán ra 321,7 tỷ, tương ứng mua ròng 566,7 tỷ đồng.
Dù mức mua ròng này kém xa phiên đột biến hơn 2.400 tỷ đồng cuối tuần trước nhưng vẫn là mức mua rất lớn. Nhiều cổ phiếu được vốn ngoại nâng đỡ, điều chỉnh rất ít hoặc tăng ngược dòng.
STB đang được mua ròng tốt nhất với 130,6 tỷ đồng, lượng mua từ khối ngoại chiếm 60% thanh khoản sáng nay. Giá STB tăng nhẹ 0,32%, giúp mã này lọt vào nhóm 4 mã ngân hàng duy nhất trên các sàn đi ngược dòng. KBC được mua ròng 53,8 tỷ và lượng mua cũng chiếm 64% thanh khoản, giúp giá tăng 0,34%, là một trong số ít cổ phiếu bất động sản tăng. SSI được mua ròng 45,3 tỷ đồng, lượng mua chiếm 38% thanh khoản và giá giảm nhẹ 0,71%, chỉ cách tham chiếu 2 bước giá.
Các cổ phiếu khác như HDB, VND, HPG, CTG, GEX đều được mua quanh 20 tỷ tới 30 tỷ đồng ròng và nhiều trong số này giá khá mạnh nếu so với mặt bằng chung giảm sâu. Tính chung tổng giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài trên HoSE chiếm 21,7% tổng giao dịch của sàn này. Đây tiếp tục là thị phần rất ấn tượng. Riêng cổ phiếu trong rổ VN30 được mua ròng 312,5 tỷ đồng. Thậm chí tỷ trọng giá trị giải ngân của khối ngày tại rổ blue-chips lên tới 32%.
Vốn ngoại tăng vượt bậc về tỷ trọng là yếu tố hỗ trợ đáng kể lúc này, khi dòng vốn trong nước quá sợ hãi và co cụm. Thực vậy, khối ngoại chiếm gần một phần ba rổ VN30 nhưng giá trị khớp của rổ này sáng nay thậm chí giảm 17% so với sáng phiên trước, chỉ đạt gần 1.651 tỷ đồng. HoSE giao dịch giảm 10% đạt 3.966 tỷ đồng và tính chung hai sàn niêm yết giảm 15%, với gần 4.327 tỷ đồng.
Như vậy dòng tiền trong nước đang là vấn đề chính của thị trường. Tâm lý sợ hãi là có thể hiểu được, khi HoSE lại tiếp tục chứng kiến 78 mã giảm sàn sáng nay. Nếu tính cả 3 sàn, số lượng giảm sàn tới 148 mã. Độ rộng HoSE cũng rất hẹp với 48 mã tăng/375 mã giảm.
Nhóm cổ phiếu bất động sản vẫn đang mất thanh khoản ở rất nhiều cổ phiếu. NVL, PDR, CRE, DXS, DXG, SCR, HQC, DIG, DRH... dư bán sàn rất lớn. Tiêu biểu là NVL bị bán sàn 64,67 triệu cổ, PDR dư 72,4 triệu cổ, DIG là gần 9,4 triệu... Ngoài 78 mã sàn, HoSE còn có 182 mã khác giảm từ 1% trở lên.
Nhóm ngược dòng không nhiều mã có thanh khoản đảm bảo. Nổi bật là GEX tăng 3,04% giao dịch 75,5 tỷ đồng; VIC tăng 2,03% giao dịch 37,6 tỷ; CTG tăng 1,69% giao dịch 97,3 tỷ; GAS tăng 0,79% giao dịch 13,4 tỷ. Có thể thấy vẫn còn trụ đỡ điểm số nhất định, nhưng rất đơn lẻ nên hiệu ứng mờ nhạt. VIC, CTG và GAS là 3 trụ khỏe nhất cũng chỉ cộng được cho VN-Index gần 2 điểm, trong khi riêng NVL, VHM đã lấy đi 2,5 điểm. VN30 cũng có tới 26 mã giảm/3 mã tăng.
Áp lực giảm mạnh sáng nay đã lan tỏa rộng hơn hẳn phiên cuối tuần trước, thay vì đã có sự giằng co. Rõ ràng cổ phiếu bất động sản chỉ là một yếu tố tác động. Áp lực bán vẫn đang gia tăng có khả năng là hiện tượng giải chấp chéo vẫn đang tiếp diễn.