Khối ngoại xả ròng đột biến 920 tỷ, cầu bắt đáy nỗ lực duy trì phân hóa
Chiều nay nhà đầu tư nước ngoài bán cả ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên sàn HoSE với tổng mức bán cả phiên hơn 2.036 tỷ đồng. Tuy đây chưa phải là con số lớn nhất nhưng mức ròng -938 tỷ trên sàn này là cao kỷ lục 9 tuần. Tính chung 3 sàn, khoảng 920 tỷ đồng bị rút khỏi thị trường...
Chiều nay nhà đầu tư nước ngoài bán cả ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên sàn HoSE với tổng mức bán cả phiên hơn 2.036 tỷ đồng. Tuy đây chưa phải là con số lớn nhất nhưng mức ròng -938 tỷ trên sàn này là cao kỷ lục 9 tuần. Tính chung 3 sàn, khoảng 920 tỷ đồng bị rút khỏi thị trường.
Phiên xả cực mạnh hôm nay đã đảo ngược hoàn toàn vị thế mua ròng của khối ngoại trong tháng 1 vừa qua. Cụ thể, thống kê ở HoSE, giá trị mua ròng cổ phiếu đạt khoảng 1.305 tỷ đồng, nhưng từ đầu tháng 2 đến nay đã bán ròng 1.893 tỷ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu blue-chips bị xả cực mạnh phiên này. HPG bị rút ròng xấp xỉ 150 tỷ đồng, với khối lượng bán ra chiếm 27,5% tổng thanh khoản. HPG để mất 0,87% và là phiên giảm thứ 2 liên tục. Cổ phiếu này quay đầu điều chỉnh sau khi chạm tới đỉnh cao hồi tháng 9/2023. VPB đứng thứ 2 với mức bán ròng 117 tỷ đồng, lượng bán của khối ngoại chiếm 60% thanh khoản, giá giảm nhẹ 0,25%. MSN bị xả ròng 109,6 tỷ đồng, lượng bán chiếm 40,5% thanh khoản, giá tăng 0,15%. MWG bị xả 105,3 tỷ, lượng bán chiếm 25% thanh khoản, giá giảm 1,74%. Các cổ phiếu khác bị bán đáng chú ý là STB -96,3 tỷ, VNM -63,7 tỷ, VCG -54,5 tỷ, EVF -49,4 tỷ, HDB -45,1 tỷ, VRE -37,7 tỷ, HSG -36,4 tỷ, PDR -35,6 tỷ, GEX -33,7 tỷ… Tính riêng cổ phiếu thuộc nhóm VN30 hôm nay bị bán ròng hơn 844 tỷ đồng, giá trị bán chiếm 19,3% giao dịch cả rổ.
Mặc dù sức ép từ khối ngoại không hề nhỏ, nhưng cũng không phải cổ phiếu nào bị bán nhiều cũng giảm giá. Dòng tiền trong nước vẫn tham gia bắt đáy khá tích cực. Nguồn lực này giúp duy trì trạng thái phân hóa. VN-Index đóng cửa giảm 0,22% nhưng vẫn có 217 mã tăng và 263 mã giảm. Trong đó, sức ép từ phía bán chỉ khiến 54 mã giảm hơn 1%, thanh khoản chiếm 24% sàn HoSE. Khá nhiều mã xuất hiện thanh khoản cao như MWG, STB, NVL, VIX, PDR tới trên 200 tỷ đồng, nhóm VCI, NKG, FPT, HAG, HDB, DXG, HCM, VCB, DGW giao dịch trên 100 tỷ.
Ở phía tăng, 88 mã tăng hơn 1% với thanh khoản tích lũy 25% sàn. SHB, TCB, VRE, DBC, EVF, PC1, PVD là các cổ phiếu thanh khoản đều trên 300 tỷ đồng. nhóm nhỏ như FIT, LSS, PTL, HNG, TNT, YEG, ST8 thậm chí tăng kịch trần với thanh khoản khá tốt.
Diễn biến này cho thấy sự phân hóa vẫn đang là cốt lõi của trạng thái thị trường hiện tại. VN-Index rất khó biến động mạnh đột ngột theo cả hai chiều khi vẫn còn đó nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giằng co lẫn nhau. Hôm nay trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thì 4 mã đỏ, 5 mã xanh và phía giảm có VCB vốn hóa “khủng” nhất thị trường giảm 1,86% lấy đi gần 2,4 điểm. Phía tăng nhỉnh hơn về số lượng nhưng chỉ TCB tăng 3,33% là mạnh và cộng cả 5 mã còn lại bao gồm CTG, VIC, GAS, VNM thì cũng chỉ bù lại gần khoảng 2 điểm, vẫn chưa đủ “cân” với VCB. Tuy vậy phía giảm cũng không có nhiều blue-chips quá yếu, VN30-Index đóng cửa chỉ giảm 0,18% với 13 mã tăng/16 mã giảm. Điều này cũng tương xứng với mức giảm nhẹ của chỉ số chính.
Dù vậy nhìn tổng thể thị trường vẫn đang bị chốt lời rõ ràng và các mã có thanh khoản cao vẫn giảm nhiều hơn tăng. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch ở nhóm cổ phiếu giảm giá chiếm gần 57% giá trị sàn HoSE trong khi giao dịch nhóm tăng chiếm 39%. Rõ hơn, sàn này có 45 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì chỉ 15 mã tăng, còn lại giảm. Sức ép chốt lời phản ánh rõ nhất ở nhóm này.
Dòng tiền hôm nay cũng có tín hiệu sụt giảm khi tổng giá trị khớp lệnh HoSE và HNX giảm 16% so với hôm qua, còn 18.216 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch cả 3 sàn giảm 18% với 20.262 tỷ đồng. Mức giảm chủ yếu là ở sàn HoSE (-18%) và mức giảm mạnh nhất ở rổ VN30 (-34%). Midcap chỉ giảm thanh khoản 18% còn Smallcap lại tăng 7%. Chỉ số VNSmallcap hôm nay cũng là chỉ số nhóm duy nhất xanh, tăng 0,45%.