16:30 08/01/2025

Khởi tố 62 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm trong năm 2024

Phúc Minh

Theo báo cáo trong năm 2024, Bộ Công an đã khởi tố 62 vụ, 97 bị can liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; vi phạm quy định về an toàn thực phẩm...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (Bộ Y tế là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo) vừa ban hành Kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2025.

Theo Ban Chỉ đạo, trong năm 2024, hoạt động hậu kiểm về an toàn thực phẩm được triển khai từ Trung ương đến địa phương, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, kịp thời giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.

Theo báo cáo trong năm 2024, Bộ Y tế đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; đã xử lý 9.043 cơ sở (chiếm 40,9% số cơ sở vi phạm), trong đó phạt tiền 6.658 cơ sở với số tiền phạt hơn 33,53 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện thanh tra 16.182 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 1.359 cơ sở (8,4% - tương đương với cùng kỳ năm 2023). Tổng số tiền xử phạt là 15,826 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2023 (12,718 tỷ đồng).

Bộ Công thương (lực lượng quản lý thị trường) trong 10 tháng năm 2024 đã kiểm tra 9.677 vụ, số vụ xử lý 7.690 vụ; số tiền phạt hơn 50,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy gần 53,5 tỷ đồng.

Bộ Công an phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (tăng 1.854 vụ so với năm 2023) với 8.978 đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (tăng 1.917 so với năm 2023), trong đó 8.490 cá nhân và 488 tổ chức.

Khởi tố 62 vụ, 97 bị can (tăng 29 vụ, 63 bị can so với năm 2023). Trong đó, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm 43 vụ; tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm 9 vụ; các tội khác liên quan đến thực phẩm 10 vụ.

Xử phạt vi phạm hành chính 8.374 vụ (tăng 3.864 vụ so với năm 2023) với 7.949 cá nhân, 517 tổ chức; tổng tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 36,1 tỷ đồng (tăng hơn 5 tỷ đồng so với năm 2023).

Vì vậy, Kế hoạch hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2025 được ban hành nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm ở các cấp.

Trọng tâm các hoạt động hậu kiểm bao gồm hậu kiểm bảo đảm chất lượng thực phẩm. Trong đó, tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm các khâu: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm. Kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, nhập lậu; kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp, thương mại điện tử đối với thực phẩm. Tăng cường lấy mẫu và kiểm nghiệm sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là các nhóm thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc cao.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm, sẽ hậu kiểm về: Công bố sản phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; hậu kiểm đối với thực phẩm nhập khẩu; ghi nhãn; quảng cáo; sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố: Hậu kiểm việc chấp hành các quy định chung về bảo đảm an toàn thực phẩm, các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn; việc sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nguyên liệu.

Đồng thời, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, khu du lịch, lễ hội, sự kiện lớn, và thức ăn đường phố.

Đối với cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm, hậu kiểm tập trung vào các nội dung như: Việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm theo chức năng, nhiệm vụ; cấp, thu hồi bản công bố sản phẩm và sản phẩm thuộc đối tượng tự công bố sản phẩm/đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm.

Các đoàn hậu kiểm khi phát hiện vi phạm phải xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả mạnh mẽ, quyết liệt như: Đình chỉ hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tịch thu tang vật, tạm dừng lưu thông, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm vi phạm về an toàn thực phẩm; áp dụng thu hồi các loại giấy chứng nhận đã cấp theo thẩm quyền.

Thông qua công tác hậu kiểm, phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm về an toàn thực phẩm, không để thực phẩm không bảo đảm an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu lưu thông trên thị trường.