06:00 22/04/2013

“Không bất thường GDP quý 1”

Nguyên Mẫn

“Đúng là có tình trạng tính chỉ tiêu tăng trưởng GDP của nhiều địa phương còn chịu áp lực từ “bệnh thành tích”

Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.<br>
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.<br>
“Ngay trong một quý, lại chỉ là quý 1 mà cho rằng GDP có dấu hiệu bất thường hay “khó hiểu” là chưa thỏa đáng bởi như trong quý 1/2012, tăng trưởng tín dụng giảm 1,2% mà GDP vẫn tăng 4,75%”, ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nêu quan điểm.

Lâu nay vẫn có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, hoài nghi về tính chính xác của công tác thống kê dự báo. Ông có cho rằng sự băn khoăn đó là có cơ sở?

Tôi cho rằng công tác này vẫn còn những hạn chế cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn, nghiêm túc để chúng ta có thể tích cực khắc phục. Đó là chất lượng số liệu thống kê chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu cả về chất lượng và tính kịp thời của người sử dụng. Công tác phân tích và dự báo thống kê của toàn ngành vẫn chưa được cải thiện nhiều và chủ yếu vẫn ở mức độ dự báo ngắn hạn...

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2013 được xác định là tăng cường công tác phân tích và dự báo thống kê. Theo đó, tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo và cảnh báo, tổng hợp xử lý thông tin về kinh tế - xã hội trong và ngoài nước; tiếp tục bám sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương và của cả nước để bảo đảm tốt thông tin kinh tế - xã hội định kỳ đúng hạn định với chất lượng thông tin ngày càng được nâng cao.

Với mức tăng GDP quý 1/2013 gần 4,9% trong khi tín dụng tăng chưa đến 1% liệu có phải là “khó hiểu”, thưa ông?

Trong điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn và lao động (tốc độ tăng suất các yếu tố tổng hợp - TFP còn rất khiêm tốn). Như vậy, về cơ bản, muốn tốc độ tăng GDP cao thì tăng đầu tư cao mà mức tăng trưởng tín dụng chỉ chưa đến 1% nên nhiều người thấy “khó hiểu”.

Tuy nhiên, khi chúng ta nói quan hệ đó là nói trong khoảng thời gian dài, nhiều năm, vài năm, hoặc ít nhất cũng phải là 1 năm. Còn ngay trong một quý mà lại chỉ là quý 1 mà tỏ ra băn khoăn như vậy là chưa thỏa đáng bởi như trong quý 1/2012, tăng trưởng tín dụng giảm 1,2% mà GDP vẫn tăng 4,75%.

Mặt khác, tuy ngân hàng thương mại là một kênh rất quan trọng trong việc cung ứng vốn cho sản xuất kinh doanh nhưng không phải là kênh duy nhất. Vốn phục vụ sản xuất kinh doanh còn được huy động từ các nguồn không qua hệ thống ngân hàng như vốn tự có của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất; vốn vay lẫn nhau của những đơn vị sản xuất kinh doanh; vốn của dân cư đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đầu tư từ nguồn vốn tự có so với vốn vay trong giai đoạn hiện nay là 1,15-1,35/1.

Thực tế, công tác thống kê còn phải chịu áp lực nặng nề của bệnh thành tích, như trong chỉ tiêu GDP ở các tỉnh, thành phố thường được đẩy lên rất cao so với GDP cả nước. Xin ông cho biết điều này được xem xét và khắc phục thế nào?


Đúng là hiện nay có tình trạng tính chỉ tiêu tăng trưởng GDP của nhiều địa phương còn chịu áp lực từ “bệnh thành tích” của lãnh đạo địa phương. Hiện chúng tôi đang triển khai Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa trung ương và địa phương” nhằm bảo đảm tính hợp lý giữa số liệu cả nước và số liệu các tỉnh, thành phố.

Trong đó, trước mắt cần tập trung rà soát, tính toán biên soạn các chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố chính thức năm 2011; xây dựng nguồn số liệu từ năm 2013 để thống nhất sử dụng tính toán một số chỉ tiêu quan trọng như: giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm, chi phí trung gian; đồng thời có phương án phân bổ giá trị sản xuất của các tập đoàn, tổng công ty hạch toán toàn ngành cho các tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, cũng sẽ xây dựng quy trình tính GDP và giá trị sản xuất cho địa phương và cả nước để thống nhất áp dụng.

Chúng tôi đã chỉ đạo cục thống kê tỉnh, thành phố cần nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, nâng cao chất lượng thông tin đầu vào, tuân thủ phương pháp luận thống kê do Tổng cục hướng dẫn và rà soát kỹ các cân đối trong tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của địa phương để bảo đảm phản ánh đúng và sát tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc thực hiện Đề án này đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ, độ chênh lệch tốc độ tăng trưởng GDP chung cả nước và tốc độ tăng trưởng GDP ở nhiều địa phương đã giảm đi đáng kể.

Đồng thời, ngành Thống kê cũng tiếp tục thực hiện Đề án đổi mới đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê, Chiến lược phát triển thống kê với các trọng tâm như xây dựng Khung giám sát đánh giá Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam; thực hiện Đề án Luật Thống kê sửa đổi và các văn bản có liên quan theo kế hoạch đề ra để trình Quốc hội trong năm 2014; bổ sung các chỉ tiêu thống kê phản ánh chất lượng phát triển của nền kinh tế, cụ thể là chuẩn bị về phương pháp luận và tổ chức thu thập thông tin để từ năm 2014 cung cấp số liệu về năng suất lao động của các ngành kinh tế làm cơ sở cho việc tái cơ cấu sản xuất, hoạch định chính sách và thu hút đầu tư; triển khai đồng bộ, hiệu quả Chế độ báo cáo tổng hợp áp dụng đối với các Cục Thống kê, Hệ thống chỉ tiêu thống kê tỉnh, huyện, xã; Chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng cho doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp và dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài...