“Không bị động khi kiện toàn nhân sự cấp cao”
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định không có chuyện bị động khi kiện toàn nhân sự
“Không bị động khi kiện toàn nhân sự cấp cao”, đây là khẳng định của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 11, sáng 12/4.
Phóng viên phản ánh nhân sự được miễn nhiệm có chút băn khoăn là hơi bị động khi không được thông báo sớm. Điều đó có thể ảnh hưởng đến kế hoạch làm việc của các vị đó.
Vậy qua lần kiện toàn này có vấn đề gì cần rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn, việc kiện toàn này có được coi là tiền lệ hay không?
Ông Phúc khẳng định, việc kiện toàn nhân sự không bị động mà đều đã báo trước cho tất cả các nhân sự.
Nhân sự đều là Uỷ viên Trung ương, việc kiện toàn đã được thông báo đến từng người một nên không có gì bị động cả, Quốc hội đã thực hiện rất đúng quy trình, ông Phúc khẳng định.
Với câu hỏi việc kiện toàn nhân sự vào kỳ họp cuối của Quốc hội có trở thành tiền lệ hay không, Tổng thư ký cho biết trước đây, như ở nhiệm kỳ khoá 11 cũng đã kiện toàn đến 9 chức danh.
Có kiện toàn vào kỳ họp cuối hay không cũng tuỳ theo thời điểm, nếu Đại hội Đảng và bầu cử khoá mới xa nhau thì cũng cần kiện toàn để nghị quyết nhanh đi vào đời sống, ông Phúc nói.
Về câu hỏi có cần tính toán lâu dài để sửa đổi pháp luật cho bài bản hơn về công tác nhân sự hay không, Phó tổng thư ký Lê Minh Thông khẳng định việc kiện toàn là đúng chủ trương, đúng quy định của pháp luật nên làm rất suôn sẻ.
Đương nhiên là sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật để quy trình nhân sự chặt chẽ nhất, gọn nhất, ông Thông nói.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên khác là sẽ miễn nhiệm bao nhiêu chức danh nữa trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết chủ yếu là bầu mới, chứ không miễn nhiệm nhiều.
Thông tin có đối tượng phản động đứng sau người tự ứng cử đã được làm rõ đến đâu, phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi.
Ông Phúc khẳng định đây chỉ là ý kiến cá nhân.
Trước phản ánh có nhiều cá nhân tự ứng cử đưa thông tin lên mạng xã hội nói rằng quá trình lấy ý kiến cử tri không minh bạch rõ ràng, không khác gì đấu tố như cải cách ruộng đất ngày xưa, ông Phúc khẳng định, trên mạng cá nhân thì đó là quyền của họ. Còn lấy ý kiến cử tri hay vận động bầu cử thì đều phải theo luật.
Tổng thư ký cũng nói rõ quan điểm, việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội là tốt, không có sự phân biệt đối xử nào cả và cũng không quy định cơ cấu tự ứng cử và hiên nay số người tự ứng cử rất đông.