15:27 10/01/2020

Không can thiệp hoạt động của doanh nghiệp bằng công cụ hành chính

Hà Vũ

Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: VGP

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2019 sáng 10/1, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

Chủ đề của Diễn đàn là "Vai trò và trách nhiệm đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong phát triển nhanh và bền vững", đây cũng là chủ đề xuyên suốt năm 2019 với nhiều kỳ vọng của Chính phủ, theo Phó thủ tướng.

Mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ. Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, đồng thời phát triển nhanh phải song hành với phát triển bền vững, ông nói.

"Trong tiến trình đó, không thể thiếu vai trò quan trọng của doanh nghiệp, bởi nhà nước đặt ra mục tiêu nhưng lực lượng để hiện thực hóa các mục tiêu là doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ Việt Nam luôn sát cánh, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp", lãnh đạo Chính phủ khẳng định với đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước có mặt tại diễn đàn.

Theo đánh giá của Phó thủ tướng, trong những năm gần đây, cùng với môi trường kinh doanh ổn định và ngày càng được cải thiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng doanh nghiệp cũng được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, có chiến lược sản xuất kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, thân thiện môi trường và đang thực hiện rất tốt các trách nhiệm đối với cộng đồng và xã hội.

Khẳng định 2019 là năm bứt phá của Việt Nam, Phó thủ tướng cho biết các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đóng góp khoảng 20% GDP của Việt Nam, nộp ngân sách cũng tăng lên đáng kể và tạo việc làm cho hàng triệu lao động.

Giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, theo đánh giá của Phó thủ tướng cũng đã có sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả. Hơn 100 tập đoàn lớn trên thế giới có mặt tại Việt Nam đã góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa năng suất, công nghệ, phát triển công nghiệp hỗ trợ, kết nối mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại diễn đàn, Phó Thủ tướng cũng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề. Như, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, qua đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế.

Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết Chính phủ cũng sẽ triển khai nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở cả 3 khu vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ) cùng phát triển.

Phó thủ tướng cũng đề cập định hướng phát triển và áp dụng hiệu quả Chính phủ điện tử, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm bảo đảm minh bạch, thuận lợi, ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, bảo đảm cho nguồn lực tự nhiên (đất đai, nước, khoáng sản...) được giải phóng, vận hành thông suốt, gia tăng dòng vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh bền vững của doanh nghiệp, hỗ trợ kiến tạo phát triển cơ sở hạ tầng cho sự đổi mới, thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế…, Phó thủ tướng nói.

Nội dung nữa được ông đề cập là Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Hoàn thiện hệ thống thể chế để thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo...

Khẳng định không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp", Phó thủ tướng cho biết, sắp tới đây, Thủ tướng sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt về thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu dự kiến cắt giảm 20% các văn bản đã ban hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và ít nhất 20% chi phí hành chính tuân thủ quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh mỗi năm.

"Chúng ta đều thống nhất rằng chính cộng đồng doanh nghiệp là những người định hình nên diện mạo nền kinh tế mỗi quốc gia, với Việt Nam thì vai trò này rất quan trọng trong thời gian tới. Cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ là một động lực quan trọng hiện thực hóa khát vọng phồn vinh của dân tộc Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo phát triển", Phó thủ tướng phát biểu.