06:00 09/07/2021

Không chạy đua về tốc độ với mạng xã hội, báo chí cần nêu cao tính trách nhiệm, đạo đức

Vũ Khuê

"Đối mặt với đại dịch có nghĩa là chúng ta đang ở tình trạng không bình thường, thậm chí thách thức vô cùng nghiêm trọng; công nghệ số khiến môi trường biến đổi, cho nên cách tiếp cận báo chí phải với tinh thần khác"...

Diễn đàn: Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi.
Diễn đàn: Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh như vậy tại diễn đàn “Hợp tác Doanh nghiệp và Báo chí trong môi trường biến đổi” và “Lễ phát động Chương trình bình chọn tác phẩm báo chí viết về doanh nhân – doanh nghiệp và môi trường kinh doanh (lần thứ 9)” diễn ra chiều 8/7.

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ, tính mạng của người dân mà còn ảnh hưởng tới kinh tế rất nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đang “thấm đòn” trên cả phương diện thị trường, khả năng thanh khoản, công ăn việc làm của người lao động. Nhiều lĩnh vực như hàng không, du lịch... đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch.

Do đó, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh báo chí và doanh nghiệp cần bắt tay, thực sự đồng hành hơn nữa trong bối cảnh hiện nay. Báo chí cần cung cấp đầy đủ, chính xác về chủ trương chính sách của Nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp. Đây không chỉ là thông tin một chiều mà còn là thông tin mang tính chất phản biện trong quá trình xây dựng, thực hiện chủ trương chính sách… để từ đó có điều chỉnh phù hợp.

“Vì thời điểm này không có gì đứng yên, có những sự việc năm trước chúng ta cho là tiêu chuẩn thì bây giờ chưa chắc đã phải như vậy. Tất cả mọi thứ cần đặt trong tình trạng “động” để có những phản ứng linh hoạt, kịp thời”, ông Lợi nói.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam

Hơn lúc nào hết, báo chí có trách nhiệm cung cấp nhiều hơn nữa thông tin về thị trường, xu hướng đầu tư để doanh nghiệp có thể nắm bắt được cơ hội, điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong thời điểm Covid.

Cũng theo ông Lợi, lúc này báo chí cần tiếp cận và nêu gương những tấm gương vượt khó, những cách làm hay. Những tấm gương này chắc chắn trở thành kinh nghiệm tốt của doanh nghiệp này đối với doanh nghiệp khác học hỏi để vượt qua khó khăn, như cách thức làm marketing mới, cách bán hàng mới, cách thức tổ chức sản xuất trong điều kiện Covid…

Bên cạnh đó, báo chí cũng cần vạch ra để khắc phục những sai phạm, thiếu sót như trốn thuế, hàng giả hàng nhái, những thủ đoạn gây bất ổn, rối loạn cho thị trường, những điểm nghẽn làm hại doanh nghiệp… .

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Hồ Quang Lợi, báo chí cần đảm bảo hai yêu  cầu quan trọng trong tác nghiệp: tính chính xác và kịp thời.

Trên thực tế, trong thời đại công nghệ 4.0, có nhiều cơ quan báo chí bị hối thúc quá mức để trở thành người số một trong việc đưa tin, cho nên, đôi khi có thiếu sót, thậm chí có những sai lầm trong cung cấp thông tin ra xã hội. Đó là những thông tin thiếu kiểm chứng, thiếu xác thực, gây tổn hại lợi ích của doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.

“Tôi cho rằng trong thời đại kỹ thuật số, vấn đề sống còn với báo chí là phải cung cấp những thông tin chính xác, tin cậy nhất. Chúng ta không thể chạy đua với mạng xã hội về tốc độ đưa tin nhưng phải vượt trội mạng xã hội về tính trách nhiệm, tính chuyên nghiệp và đạo đức của những người làm báo. Chắc chắn, độ tin cậy và sức thuyết phục chính là con đường sống của báo chí trong thời đại kỹ thuật số”, ông Lợi nhấn mạnh. Có được những điều này, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp.

Ông Lợi cũng chia sẻ hiện tượng đã xảy ra nhiều năm nay trong mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp. Đó là sự e dè, ngại ngùng và xa lánh báo chí. Bên cạnh đó, có tình trạng báo chí và doanh nghiệp bắt tay nhau theo lợi ích nhóm để đánh bóng thương hiệu, dùng báo chí làm tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp khác, thậm chí che đậy sai phạm. Đây là những hiện tượng tai hại cần phải tránh, phải khắc phục.

Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Hội Nhà báo khuyến nghị cần xây dựng mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp trên tinh thần chân thành, thông cảm, chia sẻ. Báo chí phải công tâm, khách quan và hoạt động phải chuyên nghiệp, chính trực, đặc biệt không vụ lợi.

Trong thời đại công nghệ số, báo chí và doanh nghiệp càng cần hợp tác chặt chẽ hơn.