09:32 10/04/2017

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm!

PV

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 1

Một thời “làm mưa làm gió”
Cassette là một thiết bị dùng để lưu trữ dữ liệu âm thanh trên 2 mặt. Cuộn băng từ trường này rộng 3,81 mm, còn độ dài của cuộn băng tùy thuộc vào thời gian có thể chạy của cả băng, như có nhiều chuẩn thông dụng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt), C90 (45 phút mỗi mặt)… So với một chiếc đĩa than bị khống chế nhiều về thời gian thì việc nghe được 90 phút âm nhạc từ cassette là một khác biệt lớn. Chưa kể cassette tiện lợi, nhỏ gọn và giá thành rẻ hơn. 
Từ năm 1965, những băng nhạc cassette thông dụng bắt đầu được bán ra thị trường, lúc đầu chỉ có thể phát bằng chất lượng âm thanh mono nhưng từ năm 1966 đã có băng cassette stereo. Cho đến năm 1988, riêng hãng Philips, đã bán được khoảng 3 tỷ cuộn băng cassette chưa kể những hãng sản xuất nổi tiếng khác như TDK, Maxell, hay Nakamichi… Dale Wiggins, trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng Philips tại Mỹ cho rằng cassette ra đời là nhu cầu thiết yếu để đơn giản hóa việc nghe nhạc, đặc biệt là từ băng cối, một công nghệ  khá cồng kềnh. Với cassette, bạn chỉ cần đưa nó vào hộc băng và nhấn play, tất cả còn sẽ là tự động. 

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 2

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 3

Thời kỳ hoàng kim của máy và băng cassette là giai đoạn 1985 - 1995. Ngày ấy, có những người đã bỏ ra mấy chỉ vàng để sở hữu những chiếc máy cassette của các thương hiệu nổi tiếng như: Sharp, Sony, JVC... Cùng với đó, nghề bán băng cassette làm ăn rất được. Ngoài việc bán các băng nhạc cassette được phát hành mới, các tiệm này còn thu băng cassette từ các băng cối Akai, từ đĩa nhạc nước ngoài để bán cho khách, làm các băng nhạc tuyển theo yêu cầu của khách hàng. Ngày ấy, những băng nhạc của Whitney Houston, Diana Ross, Celin Dion… được coi là dành cho những người… sành nhạc. Với những người lớn lên ở làng quê, chiếc băng cassette cũng lưu dấu rất nhiều kỷ niệm. Nhiều người biết đến nhạc của Boney M, Modern Talking là nhờ những chiếc băng cassette chuyền tay nhau. Hầu như đám cưới nào cũng mở nhạc của 2 nhóm này. Khoảng những năm 1989 – 1990, nhờ có máy cassette, người dân của làng quê miền Bắc biết đến giọng hát của Bảo Yến, Ngọc Sơn... Ngày ấy, do băng cassette khá hiếm hoi nên một chiếc băng được thu đi thu lại nhiều lần cho đến khi nhão, dây băng bị rối không còn gỡ được mới thôi. Thậm chí, giới trẻ thời ấy còn canh sóng radio nghe những bài hát của Michael Leans To Rock, Backstreet Boy, The Moffats, các bài hát trong chương trình Làn Sóng Xanh... để thu lại vào băng.  Thế nhưng, từ năm 2000, với sự phổ cập rất nhanh của đĩa CD, VCD, DVD, những băng cassette không đủ sức cạnh tranh và dần dần rơi vào quên lãng.

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 4

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 5

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 6

Thú chơi đài cassette đã trở lại
Cũng như đĩa than, băng cối, phong trào sử dụng băng từ và máy cassette bắt đầu hồi sinh trong những năm gần đây ở Việt Nam. Anh Văn Thanh Hùng (Q.Gò Vấp, TPHCM), người có nhiều năm kinh nghiệm lắp ráp, mua bán các thiết bị âm thanh “xưa cũ” khẳng định, nguồn gốc phong trào này bắt đầu từ những tay đầu nậu buôn đồ cũ ở Campuchia về. 
Trước đó, phong trào sưu tầm, thưởng thức đĩa than, đĩa cối đã lên cao. Nhiều người đi buôn hàng container về, máy cassette chỉ như món hàng bán kèm giá rẻ. Đến khi một số người nghe lại, cảm thấy hay rồi truyền tai nhau. Những lời đồn thổi cũng tăng dần, giá trị sưu tầm và giá cả cũng nâng lên. Thú chơi cassette dần nở rộ. Ban đầu, người ta tìm các dòng máy tự hành (máy xách tay, có sẵn đầu phát, loa, âm ly bên trong), sau đó tìm thêm đầu câm (cassette deck – thiết bị đầu phát). Theo những người chơi, với cassette tự hành, khâu âm thanh không được chú trọng nhiều bằng yếu tố hoài niệm. Nhưng với những người có nhu cầu thưởng thức âm nhạc, ngoài âm ly và loa, đầu câm trở thành đề tài trao đổi sôi động nhất. Dạo qua các trang mạng về âm thanh cổ, hầu hết mỗi trang đều có hẳn một diễn đàn chuyên dành cho mục mua bán hoặc trao đổi thông tin. Khi phong trào sử dụng máy cassette rầm rộ, không ít các cuộc tranh luận đã diễn ra nhằm so sánh cả gu âm nhạc giữa băng cassette với băng cối.

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 7

Nhiều người chơi nhạc cho biết so với âm thanh kỹ thuật số (digital), âm analogue mộc mạc, giọng hát của ca sĩ bao trùm lên nhạc đệm. Đây là kiểu chơi của sự hoài cổ. Cùng là thú chơi, thì băng cối tiếng “dày”, nghe nhạc vàng “phê” hơn nhưng phụ kiện thì quá tốn kém, nguồn băng nhạc ít nên giá thành cao. Trong khi đó, đầu cassette có giá thành rẻ, thông dụng và dễ chơi hơn. 
Đánh giá về thú chơi hiện tại, anh Văn Thanh Hùng cho rằng dân chơi cassette bây giờ chơi theo kiểu hoài cổ chứ không hẳn là một thú sưu tầm. Nhiều khách hàng đến cửa hàng của anh không chỉ mua bán, giao lưu các mẫu máy mà còn trao đổi về kinh nghiệm chơi, những mẫu đầu hay băng hiếm. Tuy nhiên, vẫn có một số khách hàng muốn mua một chiếc máy cassette chỉ để trưng bày tại phòng khách, như một vật dụng để gợi nhớ kỷ niệm thay vì sử dụng.  
Nếu là đồ “second hand”, những mẫu máy tự hành thường thuộc loại một loa (âm thanh đơn kênh, nghe nhạc mono) hoặc 2 loa (âm thanh đa kênh, nghe nhạc stereo) có giá bán từ 400.000 đồng trở lên. Trong khi đó, mẫu đầu câm phải cần đến hệ thống loa (và ampli) mới có thể phát nhạc, giá từ 1,5 triệu đồng trở lên. Còn nếu bạn muốn mua hàng mới, có thể tìm thấy ở các siêu thị điện máy, tầm giá 1- 3 triệu đồng/máy. 

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 8

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 9

Dẫu chỉ để bày, cũng cần lưu ý
Các “tay chơi” trong lĩnh vực này cho rằng, đầu phát hàng cũ về tới Việt Nam thường là thượng vàng hạ cám. Do đó, ngoài chức năng, thương hiệu uy tín (Nakamichi, Teac, Sony, Pioneer…), khi mua, bạn cần kiểm tra thông tin về đặc tính, tình trạng của máy. Quan trọng hơn là phải thử máy, coi máy trước khi mua, không nên mua “mù” qua mạng.
Chủ cửa hàng điện tử T.B trên đường Nguyễn Kim (quận 10, TP.HCM) cho biết: “Vì là máy đã qua sử dụng, nên bạn cần kiểm tra kỹ các chi tiết trước khi mua. Khi mua phải nhìn bên trong máy và hộc băng, nếu thấy sạch sẽ, ít bụi là được. Kế đó, bạn cần kiểm tra các nút bấm điện tử xem độ nhạy của nút. Đối với các nút cơ (dùng tay ấn) thì khi ấn xuống phải nhẹ, không kẹt phím. Với hệ thống truyền động như mở nắp hộc băng, di chuyển đầu từ phải còn hoạt động tốt, không khô dầu. Các đầu cắm ngõ ra không rè hay nhiễu, mất tín hiệu… Khi kiểm tra, bạn nên chơi thử vài băng để nghe âm thanh có bị “nhão”, nhiễu tiếng hay không. Máy chạy êm, không “lọc cọc”, không rối băng là đạt yêu cầu…” Hiện trên thị trường có các loại máy cassette 1 - 3 đầu từ. Nếu muốn tự thu, tự nghe thì bạn nên dùng loại 3 đầu từ vì tính tiện lợi trong việc kiểm tra cũng như đảm bảo chất lượng thu - phát. Bộ động cơ tuy không quyết định chất lượng âm thanh nhưng lại cực kỳ quan trọng vì nó liên quan đến việc vận hành băng, máy. Trước đây có loại cơ học tự nhiên, sau này có bộ cơ điện tử. Bạn nên chọn loại có motor cuốn băng riêng để vận hành dàn cơ hơn là chọn loại cơ khí thuần túy. Theo dõi các diễn đàn âm thanh mới biết rằng, việc đến các cửa hàng thu sang băng đĩa là một phong trào có từ mấy chục năm trước và cho đến nay vẫn còn. Người không chuyên thì tìm đến các cửa hàng nhận sang từ đĩa CD ra băng cassette, còn người chuyên hoặc muốn tự thu thì xem việc thu băng là thú chơi thú vị mà khi đã chơi rồi thì nghiện.

Không chỉ nghe âm thanh, mà là một góc hoài niệm! - Ảnh 10

Tự thu và tự nghe cũng chưa gọi là vui mà phải chia sẻ với bạn bè, anh em cùng chí hướng. Ai có băng hay thì thu cho những người khác cùng nghe hoặc bán lại. Ai cần album của ca sĩ, nhạc sĩ nào có thể hô lên để mọi người tìm giúp. Người có kinh nghiệm hơn hay tư vấn cách thu sao cho hay… Nếu băng gốc có chất lượng tốt thì việc bảo quản sẽ dễ dàng hơn. Nhiều băng thu từ những năm 90 đến giờ vẫn chạy tốt. Phần lớn người tự thu băng chuộng băng Maxell với nhiều loại giá 200.000 đồng/ cuốn, 80.000 đồng/ cuốn, 20 - 25.000 đồng/cuốn… Dân chơi nhạc không mua vài băng một lần mà mua ít nhất 30 - 40 cuốn băng.  Một chuyên gia của hãng Maxell khẳng định dù có nghe đi nghe lại hàng trăm lần nhưng chất lượng cassette của Maxell ngày xưa vẫn ổn định. “Tất nhiên là băng sẽ nhão nhưng nếu bạn chỉ để nghe và không thu đi thu lại nhiều lần thì chất lượng của chúng vẫn rất tuyệt hảo”. Còn những người mới tham gia vào các diễn đàn “mê cassette” thì nói rằng họ luôn nhớ cảm giác dùng bút chì cho vào bánh răng quay để gỡ rối băng cassette. Đó là một trải nghiệm chẳng bao giờ quên. Vậy thì, liệu cassette có trở lại thời hoàng kim của mình hay chỉ là một thú chơi hoài niệm? Điều này rất khó trả lời. Nếu bạn còn may mắn giữ được một chiếc máy casette cũ trong nhà kho, hãy mang ra lau thật sạch, đừng quên chùi đầu từ và chọn lại một cuồn băng ngày xưa từng rất thích ra nghe. Trong góc phòng có chiếc bàn gỗ kiểu cổ trải chiếc khăn với đường viền bô-đê màu trắng, chiếc cassette màu đỏ của Sony trở nên nổi bật. Và những vòng quay dây thiều đều đặn, những thanh âm huyễn hoặc, chậm rãi từ chiếc máy cassette như đưa chúng ta về với một thời chưa xa, nhưng đủ để nhớ…
Theo báo cáo từ tạp chí Time, thú chơi cassette dường như đang trở lại trong một bộ phận giới yêu âm thanh. Đã có khoảng 200.000 album định dạng cassette đã được bán ra tại Mỹ trong năm 2016. Rất nhiều tín đồ âm nhạc trên khắp thế giới vẫn không ngừng sưu tầm và yêu thích định dạng âm thanh này.
 
Ngoài việc tạo ra một định dạng âm thanh mới, sự xuất hiện của băng cát-xét đã tạo ra một văn hóa chia sẻ và thưởng thức của các tín đồ âm nhạc thông qua thứ được gọi là mixtape. Về cơ bản, mixtape là một băng nhạc do người dùng tạo ra, nó giống như là một băng tuyển tập các bài hát yêu thích của cá nhân. Sự dễ dàng trong cách sử dụng và ghi âm cũng là lý do khiến cho băng cassette trở thành phương tiện lưu trữ và chia sẻ âm nhạc tuyệt vời.
 

Duyệt Thành