23:03 30/09/2010

“Không có chuyện cho Vinashin vay 300 triệu USD”

Từ Nguyên

Các khoản nợ, nhân sự của Vinashin và lộ trình giảm lãi suất tiếp tục là chủ đề được báo chí đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 30/9.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo chiều 30/9.
Các khoản nợ, nhân sự của Vinashin và lộ trình giảm lãi suất tiếp tục là chủ đề được báo chí đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành giải đáp tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/9.

Tại cuộc họp báo trên, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông tin lại những nội dung chính mà các thành viên Chính phủ đã thảo luận trong phiên họp trước đó.

Chỉ cho Vinashin vay... 3 triệu USD

Trả lời báo chí về những khoản nợ của Vinashin và việc Chính phủ đồng ý cho Vinashin vay tiếp 300 triệu USD, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinashin Nguyễn Hồng Trường nói, hiện Vinashin đang có khoản vay đến hạn trả là vay của Ngân hàng Natixis (Pháp) 25 triệu USD để đóng tàu chở dầu ở Dung Quất.

Hạn trả của khoản vay này là ngày 13/7/2010. Do khó khăn về tài chính, Vinashin đã đàm phán lùi thời hạn trả 2 tháng, tức là đến 13/9/2010 sẽ trả, nhưng kế hoạch này vẫn chưa thực hiện được.

“Hiện chúng tôi đang cố gắng để đàm phán tiếp tục giãn nợ và thanh toán dần số nợ trên và đang đàm phán để trả 3 triệu USD trước”, ông Trường cho biết.

Liên quan đến thông tin về con số 300 triệu USD mà Chính phủ cho Vinashin vay, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định đó là thông tin... không chính xác. Năm 2009, Chính phủ đã phát hành 300 triệu USD trái phiếu quốc tế và cho Vinashin vay một phần để sản xuất kinh doanh và hiện còn dư 15 triệu USD, ông nói. Vừa qua, sau khi có đề xuất từ Vinashin, Chính phủ đã đồng ý cho Vinashin vay tiếp 3 triệu USD, chứ không phải là 300 triệu như một số báo đã đưa tin.

Về thông tin một số nhà đầu tư muốn mua lại các dự án của Vinashin, ông Trường cho biết, vừa qua có một số tập đoàn của Nhật Bản, Đài Loan bày tỏ quan tâm và đang khảo sát cụ thể. Tuy nhiên, đến thời điểm này hoàn toàn chưa có một đề xuất chính thức nào về việc mua dự án cụ thể của Vinashin của đối tác nước ngoài.

Vinashin sẽ có lãnh đạo mới

Để “xoa dịu” những thắc mắc của báo giới về Vinashin, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngay cả những tập đoàn kinh tế nổi tiếng của thế giới nhưng khi kinh tế lâm vào khủng hoảng vẫn rơi vào tình trạng phá sản.

Do đó, theo Bộ trưởng Phúc, báo chí nên đưa tin khách quan, đúng mức, không nên tô đậm câu chuyện Vinashin để gây những hiểu lầm, bức bối trong dự luận.

“Câu chuyện Vinashin đã được nêu ra trước Bộ Chính trị, Chính phủ và sắp tới là Quốc hội. Tôi mong rằng báo chí cũng có trách nhiệm để làm cho nhân dân hiểu rằng, Chính phủ đã xử lý, kỷ luật nghiêm khắc những cán bộ sai phạm, đồng thời đang nỗ lực để vực lại ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam. Tôi có cảm giác rằng, báo chí không được sòng phẳng lắm trong việc đưa tin về Vinashin”, ông Phúc nói.

Liên quan đến nhân sự Vinashin, ông Phúc cho biết, hiện Chính phủ đang thảo luận lần cuối. Chắc chắn ngày mai (1/10), Chính phủ sẽ công bố chính thức cán bộ lãnh đạo mới của tập đoàn này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định, theo nguyên tắc của pháp luật Việt Nam thì vốn điều lệ cho tập đoàn kinh tế nhà nước là do Chính phủ cấp. Nếu chưa đủ thì Chính phủ sẽ tiếp tục cấp tiếp và đó là chuyện bình thường. Còn các khoản vay của Vinashin thì sẽ phải thực hiện theo nguyên tắc “có vay - có trả”.

Giảm lãi suất phải có lộ trình

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc lãi suất ngân hàng vẫn đang ở mức cao, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến nói, việc giảm lãi suất phụ thuộc vào hai mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đang góp phần thực hiện là tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Nhưng nếu giảm lãi suất thấp quá và có tính chủ quan thì ngân hàng cũng sẽ không có đủ vốn để cho vay.

Bên cạnh đó, theo ông Tiến, nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tương đối tốt, trong khi lạm phát có thể nói là đã ở mức cao so với bình quân cùng kỳ năm trước. Do đó, chính sách tiền tệ phải đảm bảo cả hai mục tiêu trên.

“Chủ trương giảm lãi suất là cần thiết, song chúng ta phải cân nhắc và có những bước đi, lộ trình phù hợp, không thể giảm một cách ồ ạt, chủ quan được”, Phó thống đốc khẳng định.

Trả lời câu hỏi về việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng cao đột ngột, Bộ trưởng Phúc nói, vấn đề lạm phát tăng cao trong tháng 9 (1,31%) là do cả nước có 22 triệu học sinh, sinh viên nhập trường. Do đó, chỉ cần mỗi người mua một tập vở, một cây bút thì đã làm cho giá cả tăng cao. Bên cạnh đó do ảnh hưởng của giá cả lương thực thế giới tăng lên cũng ảnh hưởng đến giá trong nước.

“Về tổng thể, thì Chính phủ khẳng định rằng, chúng ta đang thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội là đảm bảo cả năm lạm phát chỉ ở mức dưới 8%”, Bộ trưởng Phúc nói.