14:50 24/07/2022

Không để gia đình người có công nào thuộc diện hộ nghèo

Phúc Minh

Chủ tịch nước yêu cầu cần nỗ lực, dành sự chung tay cao hơn chăm lo cho người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, không nơi nương tựa, không để hộ gia đình người có công nào thuộc diện hộ nghèo…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh - Mạnh Dũng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh - Mạnh Dũng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này khi dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ và Gặp mặt người có công với cách mạng tiêu biểu do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành tổ chức sáng 24/7.

ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG ĐƯỢC MỞ RỘNG

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại con số hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, đổ xương máu trong suốt lịch sử “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến cứu nước.

Chủ tịch nước cho rằng kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng đang để lại những di chứng nặng nề với đời sống xã hội. Cả nước đã một lần nữa đồng lòng, đoàn kết cùng tiến hành cuộc đấu tranh, chiến đấu với dịch bệnh.

Đáng chú ý, thời gian qua, cả nước đã chứng kiến nhiều tấm gương các cán bộ, cựu chiến binh trong các gia đình thương binh, liệt sĩ, các gia đình chính sách vượt khó khăn để sản xuất, kinh doanh giỏi, nuôi dạy con cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, chủ động mở rộng phong trào thi đua ở địa phương, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, đạo lý tốt đẹp, truyền thống nghìn đời của dân tộc Việt Nam là luôn chú trọng “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, 75 năm qua chúng ta đã huy động được nguồn lực to lớn của Nhà nước và cộng đồng nhằm thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa như: Nhà tình nghĩa, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ già yếu cô đơn…Những hoạt động này thể hiện tình cảm, trách nhiệm mang lại hiệu quả to lớn cho xã hội, chăm sóc, nâng cao đời sống hộ gia đình người có công…

Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc nâng cao đời sống cho các gia đình người có công với đất nước đã đi sâu vào tâm khảm mỗi người dân như lẽ tự nhiên nhất, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn xã hội. Qua đó khơi dậy lòng yêu nước, mối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy truyền thống đạo lý của đất nước.

Chủ tịch nước nhắc lại, trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú ý căn dặn trong di chúc: "Đối với những người đã hy sinh một phần xương máu của mình thì Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm cách làm cho họ nơi ăn, chỗ ở yên ổn, đồng thời mở lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ dần dần tự lực cách sinh…".

Thực hiện di chúc của Người, thời gian qua nhiều chủ trương của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước về ưu đãi người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, toàn diện và đa dạng; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện, bổ sung, nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Mới đây, Nhà nước đã dành trên 400 tỷ đồng tặng quà cho người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.

NỖ LỰC CAO HƠN ĐỂ CHĂM LO CHO NGƯỜI CÓ CÔNG

Mặc dù vậy, những bù đắp với các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng không bao giờ bằng được những gì họ đã cống hiến cho nhân dân và đất nước. Vì thế, cả hệ thống cần cố gắng làm nhiều việc đền ơn đáp nghĩa tích cực, có ý nghĩa hơn nữa tri ân người có công.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng quà cho đại biểu người có công. Ảnh - Mạnh Dũng. 
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng quà cho đại biểu người có công. Ảnh - Mạnh Dũng. 

Để triển khai công tác đền ơn đáp nghĩa theo chiều sâu và thực sự hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã hội, mỗi người dân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, vinh dự tình cảm từ trái tim.

Đồng thời, thực hiện tốt chính sách ưu đãi với người có công, xây dựng xã hội giàu lòng nhân ái, nhân văn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc thể hiện sâu sắc tính ưu việt, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

“Chúng ta cần nỗ lực, dành sự chung tay cao hơn chăm lo cho người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, không nơi nương tựa, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, không để hộ gia đình nào người có công nào thuộc diện hộ nghèo”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cùng với đó, cần thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, nâng cao chất lượng, kịp thời khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những phong trào; phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân, người có công với cách mạng nêu cao ý thức cách mạng, ý chí tự lực tự cường, phấn đấu vươn lên, hợp tác chiến đấu, lao động, học tập tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cơ quan liên quan thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền kịp thời giải quyết để bảo đảm quyền lợi của người có công. Các ngành chức năng tăng cường kỹ thuật tiên tiến cập nhật lưu trữ thông tin liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công.

“Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch nước khẳng định.