07:20 29/09/2008

“Không nên lo lắng về việc mua USD vào”

Nguyễn Hoài

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về một số điểm đáng chú ý trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu nói về một số điểm đáng chú ý trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới.

Thưa Thống đốc, nhiều tháng nay, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn kêu khó khăn do không được tiếp cận vốn và lãi suất cho vay cao, Ngân hàng Nhà nước đã làm gì để tháo gỡ khó khăn này?

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai quyết định quan trọng về tăng lãi suất dự trữ bắt buộc tiền gửi VND từ 3,6%/năm lên 5%/năm và cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc phát hành ngày 17/3/2008 để tham gia trong các giao dịch tái cấp vốn với Ngân hàng Nhà nước.

Hai quyết định này nhằm giúp ngân hàng thương mại tăng khả năng thanh khoản những tháng cuối năm, đồng thời giúp tổ chức tín dụng giảm chi phí và có điều kiện chia sẻ với khách hàng thông qua giảm lãi suất cho vay.

Nhưng làm thế nào để vốn vào đúng chỗ khi mà ngân hàng thương mại phần lớn vẫn cho vay “khách quen”, còn doanh nghiệp nhỏ tiềm lực tài chính yếu lại ít nhận được sự hỗ trợ?

Cung vốn là do quan hệ vay mượn và kèm theo các điều kiện.

Những doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện cần thiết như dự án có hiệu quả, được ngân hàng đánh giá chất lượng cao... đương nhiên sẽ được tổ chức tín dụng đảm bảo cung đủ vốn.

Hiện tại, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu tập trung vốn cho sản xuất, xuất khẩu, dự án khả thi, khu vực nông nghiệp nông thôn. Công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng theo hướng chỉ đạo này.

Cuối tháng này, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố số liệu về tăng trưởng tín dụng cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và tôi được biết, tăng trưởng của khu vực này vẫn tốt.

Các ngân hàng thương mại đang giảm lãi suất hai chiều, vậy Ngân hàng Nhà nước xử lý mức lãi suất cơ bản theo hướng nào?

Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản là 14%/năm và đó là điều bình thường. Bởi nếu để biên độ rộng hơn thì tính cơ động của lãi suất trên thị trường sẽ cao hơn. Nhưng nói chung, khi nền kinh tế ổn định, CPI giảm dần thì các tổ chức tín dụng sẽ giảm lãi suất theo xu hướng cung cầu vốn trên thị trường.

Hơn nữa, chủ trương của Chính phủ vẫn ưu tiên cho mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát, việc giữ nguyên lãi suất cơ bản cũng phải bám vào tinh thần chỉ đạo đó. Không phải cứ thấy CPI giảm trong tháng 8 và tháng 9 để rồi nói ta đã kiểm soát được.

Để ổn định lạm phát, cần phải có thêm thời gian và công tác điều hành chính sách tiền tệ không thể xa rời mục tiêu đó.

Khủng hoảng tài chính tại Mỹ đang lan rộng ở nhiều nước, Ngân hàng Nhà nước có dự liệu gì để tránh sự tác động thưa Thống đốc?

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục theo dõi. Việt Nam đã hội nhập khá sâu rộng, những tác động của kinh tế toàn cầu trong quá trình này là rất lớn và khó tránh khỏi.

Từ “cơn bão” tài chính này, nhiều người lo ngại FDI của Mỹ vào Việt Nam sẽ giảm. Tôi cho rằng chưa nên vội đánh giá như thế mà phải có sự nghiên cứu kỹ. Bởi lẽ, nếu nhìn nhận không chuẩn xác sẽ có tác động không tốt đến tâm lý các nhà đầu tư.

Liên quan đến vấn đề trên, khá nhiều lo lắng khi doanh nghiệp và ngân hàng thương mại trong nước có quan hệ đầu tư tiền gửi, kinh doanh ngoại tệ, tài trợ thương mại xuất nhập khẩu tại những “vùng nguy hiểm”. Ngân hàng Nhà nước có động thái gì để phòng tránh rủi ro?

Nói chung, khi ngân hàng thương mại mở rộng địa bàn và nghiệp vụ hoạt động trong lĩnh vực ngoại hối, họ đều biết và có phương án phòng chống rủi ro. Cụ thể là các ngân hàng thương mại trong nước sẽ chọn những ngân hàng nào được các tổ chức uy tín trên thế giới xếp hạng là “AAA”, “AA”, “A” hay “B+”... để làm đối tác. Vì thế, các ngân hàng thương mại luôn có phương án phòng chống rủi ro.

Mỹ tung một lượng lớn USD để bình ổn thị trường tài chính, nhu cầu vốn cuối năm trong nước thường rất cao trong khi Ngân hàng Nhà nước đang xúc tiến mua USD vào. Những yếu tố này liệu sẽ gây áp lực như thế nào lên tỷ giá và kiềm chế lạm phát?

Không nên lo lắng về điều này bởi khi mua USD vào, Ngân hàng Nhà nước luôn có biện pháp điều hành thích hợp. Trong thời điểm hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục ưu tiên mục tiêu hàng đầu là chống lạm phát.

Cũng có một vài ý kiến nói rằng khi Mỹ “bơm” USD để cứu thị trường tài chính, điều này có thể gây dư cung ngoại tệ và ít nhiều tác động lên tỷ giá tại Việt Nam nhưng tôi không nghĩ vậy. Bởi lượng USD này chỉ xử lý mang tính nội bộ của họ mà thôi và cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ có sự điều tiết thích hợp, chứ không nên hiểu việc đó như một dấu “cộng” đơn thuần.