Không “ngâm” vốn, TP.HCM tập trung nguồn lực cho các dự án giao thông trọng điểm
TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, đảm bảo đúng thời gian thực hiện, không để xảy ra tình trạng “ngâm”, kéo dài, điều chỉnh tổng mức đầu tư...
Ngày 10/5, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP.HCM do Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ, Trưởng đoàn giám sát, đã giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 đối với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông TP.HCM).
Tại buổi giám sát, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM Lương Minh Phúc cho biết, giai đoạn 2021- 2025, Ban Giao thông quản lý 162 dự án với tổng mức đầu tư hơn 74.779 tỷ đồng. Đến nay, 162 dự án đều được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, với tổng số vốn hơn 26.677 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18,71%, trong đó có 55 dự án đã và đang quyết toán, 36 dự án đang thi công, 46 dự án có vướng mắc, 23 dự án chưa khởi công và 2 dự án chuẩn bị đầu tư.
“Đặc biệt lưu ý đối với những dự án có sử dụng nguồn vốn ODA vay lại, việc chậm trễ giải ngân sẽ gây ra nhiều hệ quả như: dự án chậm hoàn thành và đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư; làm phát sinh thêm chi phí cam kết phải trả đối với phần vốn vay chưa giải ngân…”
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ.
Ngoài ra, Ban Giao thông đã tập trung thực hiện giải ngân theo chỉ đạo của thành phố. Cụ thể, tính đến tháng 3/2023, lũy kế vốn hơn 14.289 tỷ đồng, kết quả thực hiện đạt khoảng 34% tương đương giá trị giải ngân 4.777 tỷ đồng.
Trong kế hoạch trung hạn 2021-2025, Ban Giao thông thành phố dự kiến 135 dự án sẽ hoàn thành trong kỳ trung hạn 2021-2025; 27 dự án không hoàn thành, dự kiến chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030, với nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn, chưa được bố trí kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi giám sát, các đại biểu cho rằng hiện trên địa bàn thành phố còn nhiều công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông do Ban Giao thông phụ trách đang thực hiện dở dang, không chỉ gây khó khăn cho phương tiện lưu thông mà còn làm thiệt hại rất lớn về kinh tế như: dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của; dự án xây dựng cầu Tăng Long; dự án xây dựng cầu Nam Lý (TP Thủ Đức); dự án xây dựng cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè); dự án xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý; dự án xây dựng cầu Bà Hom (quận Bình Tân)…
Do đó, Ban Giao thông đề nghị HĐND TP.HCM cần quan tâm và tiếp tục phân bổ vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án quy mô lớn, kết nối liên vùng, các dự án quan trọng, để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm tác động lan tỏa.
Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công theo hướng hợp lý, bảo đảm tương quan hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên cho lĩnh vực hạ tầng giao thông để làm cơ sở tạo sự phát triển kinh tế xã hội, bổ sung vốn trung hạn cho các dự án đầu tư mới, các dự án trọng điểm cấp bách để triển khai và hoàn thành trong nhiệm kỳ 2021-2025 nhằm phát huy hiệu quả dự án, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cũng đề nghị Ban Giao thông TP.HCM khẩn trương rà soát điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án quá hạn để tránh trường hợp thi công có khối lượng nhưng không giải ngân được. Đối với đề xuất bố trí vốn hàng năm cho từng dự án, Ban Giao thông cần quan tâm xác định rõ nhu cầu bố trí vốn cho dự án, khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án theo tiến độ, nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
“Đặc biệt lưu ý đối với những dự án có sử dụng nguồn vốn ODA vay lại, việc chậm trễ giải ngân sẽ gây ra nhiều hệ quả như: dự án chậm hoàn thành và đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư; làm phát sinh thêm chi phí cam kết phải trả đối với phần vốn vay chưa giải ngân…”, Chủ tịch HĐND TP.HCM nhấn mạnh.
Chủ tịch HĐND TP.HCM cũng yêu cầu Ban Giao thông TP.HCM tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện các dự án giao thông trọng điểm của thành phố, đảm bảo đúng thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không để xảy ra tình trạng “ngâm” vốn dẫn đến dự án kéo dài phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư,... làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư và ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư công của giai đoạn sau của thành phố.