Khủng hoảng năng lượng đẩy ngành dệt may châu Âu tới miệng vực
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã khiến cho hàng loạt nhà máy thép và nhôm ở khu vực này phải đóng cửa. Không chỉ có vậy, ngành công nghiệp thời trang châu Âu cũng đang trở thành một “nạn nhân” của cuộc khủng hoảng này...
Theo tờ Wall Street Journal, hàng nghìn nhà máy và công xưởng nhỏ cung cấp cho các nhãn hiệu như Gucci và H&M đang chứng kiến mô hình kinh doanh của mình lung lay vì giá khí đốt và giá điện tăng vọt kể từ khiến chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra. Dữ liệu từ hiệp hội dệt may châu Âu Euratex cho thấy chi phí năng lượng đối với nhiều doanh nghiệp dệt may châu Âu đã tăng từ mức chiếm khoảng 5% chi phí sản xuất lên 25%, khiến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm.
NGUY CƠ “SẬP TIỆM” TOÀN BỘ CHUỖI CUNG ỨNG DỆT MAY CHÂU ÂU
Các nhà sản xuất dệt may phàn nàn rằng giá năng lượng tăng cao đến nỗi các nhà cung cấp năng lượng – do lo ngại không được thanh toán – yêu cầu doanh nghiệp dệt may phải nộp tiền đảm bảo tại ngân hàng hoặc trả trước tiền mặt để trang trải cho hoá đơn năng lượng dự kiến của nhiều tháng. Ở Italy, nước có nền công nghiệp dệt may lớn nhất châu Âu, nhiều nhà sản xuất cho biết không thể tiếp tục ký được những hợp đồng mua năng lượng nhằm tránh biến động giá năng lượng ngắn hạn như họ vẫn thường ký trước kia.
Hiện tại, nỗi đau mà khủng hoảng năng lượng gây ra đang lan khắp chuỗi cung ứng ngành dệt may châu Âu, từ những nhà sản xuất sợi, nhà máy nhuộm, cho tới những xưởng dệt và nhà máy trực tiếp làm ra sản phẩm may mặc.Italy và một số nước ở khu vực Nam Âu đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) áp trần giá bán buôn khí đốt tại tất cả các quốc gia thành viên, nhưng Đức và Hà Lan phản đối biện pháp này. Uỷ ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, tuần trước đưa ra đề xuất áp trần khẩn cấp đối với giá khí đốt trên sàn giao dịch lớn nhất trong khối.
Không dễ để các doanh nghiệp dệt may đẩy phần chi phí tăng thêm về phía khách hàng. Nhiều công ty buộc phải giao hàng ở mức giá trong hợp đồng đã ký từ nhiều tháng trước. Chi phí tăng cao có thể buộc nhiều doanh nghiệp dệt may châu Âu dịch chuyển sản xuất khỏi khu vực này, đến những nước có giá năng lượng mềm hơn. Hệ quả sẽ là nguy cơ mất việc làm của 1,3 triệu lao động dệt may trong EU.
Ông Alberto Paccanelli, người vận hành một công ty dệt ở miền Bắc Ialy, sửng sốt khi hoá đơn khí đốt tháng 7 của công ty trong tháng 7 nhảy vọt lên con số 660.000 Euro, tương đương 650.000 USD, từ mức chỉ 90.000 USD cách đó 1 năm.
Những vấn đề của ngành dệt may châu Âu đang làm lộ ra mối chia rẽ ngày càng lớn giữa một bên là các quốc gia EU đang triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước khỏi giá khí đốt tăng vọt và một bên là những nước không có đủ khả năng để làm được việc đó.
“Điều đang xảy ra là toàn bộ ngành dệt may của châu Âu đang đối mặt nguy cơ đóng cửa”, ông Paccanelli nói.
Một số doanh nghiệp đã chuyển sản xuất sang nước khác, bao gồm sang Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có chi phí sản xuất rẻ hơn, thay vì chịu chi phí cao ngất ngưởng ở những nước như Italy. Nga hiện vẫn duy trì việc cung cấp khí đốt và dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Enrico Gatti, một nhà sản xuất len chuyên cung cấp cho Zara, H&M và các thương hiệu khác cho biết lượng đơn hàng đã giảm 50% trong năm nay đối với công ty của ông và các doanh nghiệp dệt may khác ở Prato, một thị trấn ở vùng Tuscan và là một trung tâm dệt may lớn ở Italy.
Những vấn đề của ngành dệt may châu Âu đang làm lộ ra mối chia rẽ ngày càng lớn giữa một bên là các quốc gia EU đang triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp trong nước khỏi giá khí đốt tăng vọt và một bên là những nước không có đủ khả năng để làm được việc đó. Đức đã công bố loạt biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khủng hoảng năng lượng, và các biện pháp này dự kiến sẽ tiêu tốn của Chính phủ Đức gần 300 tỷ Euro, bao gồm áp trần giá lên điện và khí đốt. Pháp dự kiến chi 100 tỷ Euro cho các biện pháp tương tự.
Italy không có sức mạnh tài chính để đưa ra các biện pháp như vậy. Nước này vốn đang oằn lưng gánh số nợ quốc gia tương đương 150% tổng sản phẩm trong nước (GDP), và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã cam kết thắt chặt chi tiêu công.
Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, Italy đã phân bổ 59 tỷ Euro, tương đương 3,3% GDP, cho các biện pháp nhằm bảo vệ doanh nghiệp và người dân khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, Đức đã phân bổ 100 tỷ Euro, tương đương 2,8% GDP; Pháp phân bổ 72 tỷ Euro, tương đương 2,9% GDP.
DOANH NGHIỆP DỆT MAY HẾT KHẢ NĂNG HẤP THỤ CHI PHÍ TĂNG THÊM
Theo ông Jean-Francois Pierre Gribomont, Chủ tịch công ty dệt may Utexbel NV, sự chia rẽ này làm suy yếu thị trường chung cho hàng hoá ở EU. Mảng dệt vải ở Bỉ của Utexbel đang phải mua điện với giá 193 Euro/megawatt giờ, cao gấp đôi so với cách đây 1 năm. Ở Pháp, nhờ có trợ giá điện trực tiếp, công ty này mua điện với giá 123 Euro/megawatt giờ, tăng khoảng 50%. “Vì sao chúng ta lại có một thị trường chung châu Âu trong khi mỗi nước lại tuỳ ý làm điều mình muốn”, ông nói.
Ông Michael Engelhardt, trưởng bộ phận chính sách năng lượng của hiệp hội thương mại dệt may Textil+Mode có trụ sở ở Berline, nói rằng các công ty dệt may Đức sẽ hưởng lợi từ sự hỗ trợ của nhà nước nhiều hơn so với doanh nghiệp dệt may ở một số nước châu Âu khác. “Nếu bạn hỏi: ‘Nước nào nhiều tiền nhất?’ thì câu trả lời chính là Đức. Đức lúc nào cũng ổn”, ông nói.
Doanh nghiệp dệt may châu Âu đang lo ngại rằng họ sẽ bị xếp cuối hàng nếu các nước trong khu vực buộc phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông năm nay, vì ngành dệt may bị cho là ít quan trọng hơn so với những ngành công nghiệp có mức tiêu thụ năng lượng lớn khác như sản xuất kính và kim loại.
Nguồn cung khí đốt giá mềm của Nga chảy đều đặn đã giúp các nhà sản xuất ở châu Âu ăn nên làm ra trong suốt nhiều thập kỷ, ngay cả khi sự cạnh tranh từ bên ngoài ngày càng trở nên khốc liệt. Tỷ trọng của châu Âu trong xuất khẩu dệt may toàn cầu đã suy giảm trong 20 năm qua, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc tăng gấp hơn 4 lần lên mức 40% vào năm 2020, lớn gấp đôi tỷ trọng của EU cùng năm - theo dữ liệu gần đây nhất từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Sự thống trị trong ngành công nghiệp dệt may châu Âu nằm trong tay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những công ty này tồn tại và phát triển nhờ mối quan hệ cộng tác gần gũi với các nhà thiết kế thời trang tên tuổi và nâng cao năng lực chuyên môn qua nhiều thế hệ. Các kỹ thuật kéo sợi và dệt vải của họ sử dụng một lượng điện năng lớn, biến sợi thô nhập khẩu từ New Zealand và Australia thành sợi tinh và vải. Tiếp đó, những vật liệu này được nhuộm trong những bể lớn chạy bằng khí đốt.
Khi giá năng lượng bắt đầu tăng vọt cách đây 1 năm, nhiều công ty nhỏ nhận ra rằng họ khó có thể hấp thụ được chi phí tăng thêm. Khi lập đỉnh hồi cuối tháng 8, giá khí đốt ở châu Âu cao gấp gần 10 lần so với cách đây 1 năm. Đó cũng là thời điểm các công ty dệt may ở châu Âu phải xoay sở với những mặt hàng đã được định giá từ rất lâu trước đó trong năm.
Ông Maurizio Sarti, một nhà sản xuất len cao cấp ở Tuscany, nói rằng ông phải chạy đua để hoàn tất đơn hàng trong vòng 2 tháng, nhưng không thể chịu được giá khí đốt tăng liên tục. “Bạn đã định giá, sau đó giá khí đốt tăng gấp đôi. Bạn không thể đẩy phần chi phí gia tăng về phía khách hàng”, ông phàn nàn.