Khủng hoảng nợ Evergrande: Kế hoạch bán 2,6 tỷ USD tài sản bất ngờ đổ vỡ
Dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng thanh khoản của “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc đáng trở nên tồi tệ hơn. Thông báo với Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông ngày 20/10, Evergrande cũng cho biết công ty chưa có thêm bước tiến nào về bán tài sản và có thể không đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính...
China Evergrande Group đã chấm dứt cuộc đàm phán bán cổ phần trong một công ty con về quản lý bất động sản và cho biết doanh số bán nhà của công ty giảm khoảng 97% trong mùa cao điểm.
Đây là những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng thanh khoản của “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc đáng trở nên tồi tệ hơn, ngay trước thời hạn một cuộc thanh toán nợ trái phiếu USD – Bloomberg đưa tin.
Trong niêm yết thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán Hồng Kông ngày 20/10, Evergrande cũng cho biết công ty chưa có thêm bước tiến nào về bán tài sản và có thể không đủ khả năng thực hiện các nghĩa vụ tài chính. Theo dự kiến, cổ phiếu Evergrande sẽ được giao dịch trở lại trong sáng ngày 21/10 sau 3 tuần đình chỉ.
Thông tin u ám trên được Evergrande đưa ra chỉ vài ngày trước khi kết thúc thời kỳ ân hạn của một đợt thanh toán lãi trái phiếu USD mà công ty chưa hoàn tất hồi tháng 9. Theo dữ liệu của Bloomberg, giá trái phiếu USD đáo hạn vào tháng 3/2022 với lãi suất cuống phiếu 8,25% của Evergrande hiện đang được giao dịch ở mức giá 0,236 USD trên mỗi 1 USD mệnh giá.
Cuộc khủng hoảng nợ Evergrande đã trở thành một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc, xói mòn niềm tin vào lĩnh vực bất động sản chiếm gần 1/4 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. Cuộc khủng hoảng cũng làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng tài chính lan rộng, khi có ít nhất 2 công ty bất động sản “có số má” khác của Trung Quốc trễ hạn thanh toán nợ trái phiếu USD trong tháng này và lợi suất trái phiếu “rác” (junk bond) của Trung Quốc tăng lên gần ngưỡng cao nhất trong 1 thập kỷ.
Các cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc đã khuyến khích Evergrande thực hiện tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo tránh vỡ nợ trái phiếu USD trong ngắn hạn, tập trung hoàn tất các dự án còn dở dang, và hoàn tiền cho nhà đầu tư cá nhân.
Evergrande, công ty do tỷ phú Hứa Gia Ấn sáng lập và điều hành, cho biết đã chấm dứt cuộc đàm phán vào tuần trước về bán cổ phần 50,1% trong Evergrande Property Services Group Ltd. để lấy khoảng 20 tỷ Đôla Hồng Kông, tương đương 3,6 tỷ USD.
Trong một tuyên bố riêng, khách mua tiềm năng trong vụ bán cổ phần này là công ty bất động sản Hopson Development Holdings Ltd. cho biết công ty “lấy làm tiếc phải thông báo rằng bên bán đã không thể hoàn thành việc bán” cổ phần trong Evergrande Property Services, đồng thời đề nghị cho nối lại giao dịch cổ phiếu Hopson.
Trước đó, cổ phiếu của cả Evergrande, Hopson và Evergrande Property Services đều đã tạm ngừng giao dịch kể từ đầu tháng này để chuẩn bị cho vụ mua bán cổ phần. Cổ phiếu Evergrande đã biến động chóng mặt trước khi tạm ngừng giao dịch, giảm 80% từ đầu năm đến nay.
Evergrande cho biết doanh số bán nhà từ tháng 9 đến ngày 20/10 đạt 3,65 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 571 triệu USD, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức 142 tỷ Nhân dân tệ, cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu sụt giảm và việc bán cổ phần bất thành đang gia tăng sức ép buộc ông Hứa phải tìm các biện pháp khác để huy động tiền mặt. Chủ nợ trái phiếu, ngân hàng và các chủ nợ khác của Evergrande đang ngày càng trở nên lo ngại về khả năng có thể lấy lại được tiền từ “quả bom nợ” đang gánh hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ này.
Cuối tuần này, Evergrande sẽ hết thời gian ân hạn 30 ngày đối với một khoản tiền lãi trái phiếu 83,5 triệu USD mà công ty chưa thanh toán được vào tháng trước. Chủ nợ có thể yêu cầu Evergrande thanh toán ngay lập tức khi hết ân hạn và nếu Evergrande không thực hiện được yêu cầu, công ty - về mặt kỹ thuật - sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Các cơ quan giám sát tài chính của Trung Quốc đã khuyến khích Evergrande thực hiện tất cả các biện pháp có thể để đảm bảo tránh vỡ nợ trái phiếu USD trong ngắn hạn, tập trung hoàn tất các dự án còn dở dang, và hoàn tiền cho nhà đầu tư cá nhân. Không chỉ trễ hạn thanh toán lãi trái phiếu, Evergrande còn đã trễ hạn thanh toán nợ ngân hàng, nhà cung cấp và nhà đầu tư nắm giữ các sản phẩm tài chính do công ty phát hành tại Trung Quốc đại lục. Bán bớt tài sản chủ lực, cho dù phải bán với giá rẻ, được xem là trọng tâm trong chiến lược huy động tiền mặt của Evergrande hiện nay.
Nếu Evergrande bán được cổ phần trong công ty quản lý bất động sản cho Hopson như kế hoạch, thì số tiền thu về có thể giúp giải toả tạm thời cuộc khủng hoảng thanh khoản. Ngoài ra, số tiền đó cũng sẽ giúp Evergrande có thêm thời gian để giải quyết các vấn đề vốn ở nước ngoài – Bloomberg nhận định. Tuy nhiên, thương vụ đã không thành công.