16:39 12/01/2011

Kiểm điểm hoạt động Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X

Nguyên Vũ

“Việc thực hiện phương án nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XI có một số thiếu sót, khuyết điểm”

Sáng nay (12/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam được khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội - Ảnh: LQP.
Sáng nay (12/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam được khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội - Ảnh: LQP.
“Việc thực hiện phương án nhân sự Ban chấp hành Trung ương khóa XI có một số thiếu sót, khuyết điểm”, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại phiên khai mạc Đại hội XI sáng 12/1 nêu rõ.

Trình bày báo cáo này, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư, đã nêu rõ những ưu, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban bí thư.

Theo đó, tập thể Ban chấp hành Trung ương đã tập trung vào việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện những vấn đề mới trong đường lối phát triển kinh tế xã hội của Đại hội X. Chọn đúng vấn đề lớn, có tính chiến lược, đề ra chủ trương, giải pháp giải quyết đúng những vấn đề đặt ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước...

Khuyết điểm đầu tiên được nêu là một số vấn đề lớn, quan trọng, gây bức xúc xã hội được được nêu trong các văn kiện Đại hội XI nhưng chưa được Ban chấp hành Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để có giải pháp khắc phục.

Như, vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cơ chế phân phối trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đại diện chủ sở hữu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; chính sách quản lý, đền bù thu hồi đất đai; thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục; vấn đề dân chủ và kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong xã hội; vấn đề suy giảm đạo đức xã hội…

Ban chấp hành Trung ương cũng đánh giá, bên cạnh đa số các ủy viên Trung ương năng động, sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt…, vẫn còn có ủy viên thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống hoặc để vợ con, cấp dưới lợi dụng chức quyền, thu vén lợi ích cá nhân, phải xử lý kỷ luật, gây dư luận không tốt, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

Với Bộ Chính trị, báo cáo nêu rõ 6 ưu điểm và 5 khuyết điểm.

Về ưu điểm, Bộ Chính trị đã tập trung chỉ đạo chuẩn bị nhiều đề án trình Ban chấp hành Trung ương; chủ động đề xuất với Ban chấp hành Trung ương điều chỉnh, bổ sung chương trình làm việc, giải quyết kịp thời những vấn đề lớn của đất nước; tiếp tục có bước đổi mới trong việc nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghị quyết.

Bộ Chính trị cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, chủ động, kịp thời, có chủ trương hoặc kiến nghị Ban chấp hành Trung ương có chủ trương, giải pháp xử lý những diễn biến của tình hình, cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Tuy nhiên, khuyết điểm được chỉ ra là trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục một số hạn chế, yếu kém của nền kinh tế, một số thiếu sót, khuyết điểm trong quản lý còn chậm, hiệu quả thấp.

“Kết quả hoạt động của một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Có tập đoàn rơi vào tình trạng phá sản, gây tổn thất lớn về kinh tế, làm bức xúc xã hội”, ông Trương Tấn Sang báo cáo.

Bên cạnh đó, công tác giám sát trong Đảng là vấn đề mới, nhưng hướng dẫn chưa đủ rõ, gây lúng túng trong thực hiện, chất lượng hiệu quả chưa cao. Chưa kịp thời phát hiện sai phạm để khắc phục nên một số cán bộ các cấp vi phạm phải xử lý kỷ luật (trong đó có cả cán bộ do Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý).

Cũng theo báo cáo, việc tự rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, nêu gương của một số cán bộ các cấp còn nhiều yếu kém, gây tổn hại đến uy tín và thanh danh của Đảng.