Kiến nghị cắt giảm nhiều loại chi phí cho doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, những gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang là một trở ngại lớn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh
Sáng 12/12, báo cáo tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2017 (VBF 2017), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu nhiều khuyến nghị về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Trước đó, trao đổi với báo chí trước thềm diễn đàn, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã nhấn mạnh rằng chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Khó khăn lớn nhất là thủ tục phiền hà
Tại báo cáo, VCCI cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 11 tháng của năm 2017, đã có 10.814 doanh nghiệp giải thể và 55.664 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, lần lượt tăng 3,3% và 3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, những gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn đang là một trở ngại lớn của quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2016 (PCI) VCCI công bố vào tháng 3/2017 thì 35% doanh nghiệp đang dành trên 10% quỹ thời gian để thực hiện thủ tục hành chính.
Cũng theo kết quả khảo sát này, cứ 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất của họ là thủ tục hành chính phiền hà.
VCCI cho rằng cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, trước hết tập trung cải cách danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hoá thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Riêng về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, VCCI cho biết nhiều bộ, ngành gần đây đã đề xuất cắt giảm các loại phí lệ phí, tổng số thông tư về phí, lệ phí được Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi để loại bỏ, cắt giảm phí đã gửi lấy ý kiến VCCI tính từ tháng 9 tới nay là 15 thông tư. Trong đó, số lượng phí, lệ phí được Bộ đề xuất bỏ là 1, đề xuất giảm là 44.
Các lĩnh vực có đề xuất cắt giảm về mức phí, lệ phí thuộc phạm vi của nhiều bộ, từ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Công an, Kế hoạch và Đầu tư...
Tuy nhiên, theo VCCI thì mức đề xuất giảm một số loại phí, lệ phí còn rất khiêm tốn. Tất cả các dự thảo đều đề xuất giảm phí, lệ phí xuống mức thấp hơn mức hiện tại. Song nhiều trường hợp mức giảm rất hạn chế, chưa thể hiện đúng tinh thần cải cách, thay đổi thực sự mà doanh nghiệp kỳ vọng.
Bất cập rất lớn được VCCI nhấn mạnh chính là mức phí, lệ phí dù đã giảm nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với chi phí mà cơ quan Nhà nước bỏ ra, trái với bản chất của phí. Theo quy định tại Luật phí và lệ phí 2015 thì: mức phí phải được xác định dựa trên chi phí cơ quan nhà nước bỏ ra để thực hiện dịch vụ công (tức là không được cao hơn mức chi phí thực đã bỏ ra); mức phí này chỉ mang tính "bù đắp", "phục vụ" (tức là không hoàn toàn là "trả ngang giá" cho các chi phí thực tế mà Nhà nước đã bỏ ra mà là thấp hơn chi phí mà Nhà nước bỏ ra).
Trên thực tế, nhiều trường hợp phí cấp phép dù đã giảm nhưng vẫn cao hơn chi phí mà cơ quan Nhà nước bỏ ra để thực hiện việc thẩm định cấp phép (nhất là trong các hoạt động thẩm định chủ yếu thực hiện thông qua việc xem, kiểm tra các giấy tờ, dữ liệu có sẵn, không có bao gồm việc kiểm tra thực địa hay giám định kỹ thuật trực tiếp, VCCI khẳng định.
Cần lộ trình tăng lương hợp lý
Cho biết đề xuất cụ thể về từng loại phí, lệ phí đã nêu cụ thể trong các văn bản góp ý cho từng dự thảo thông tư liên quan gửi đến Bộ Tài chính, tại báo cáo này VCCI tiếp tục đề xuất cắt giảm một số chi phí khác cho doanh nghiệp.
Về chi phí khởi sự kinh doanh, VCCI đề nghị bãi bỏ quy định thủ tục cấp giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Luật doanh nghiệp 2014 không yêu cầu đăng ký hay ghi nhận về ngành, nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không có quy định nào về việc cấp giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo khi có thay đổi, VCCI nêu rõ.
Đề nghị tiếp theo từ VCCI là bãi bỏ khoản 1 điều 7 nghị định 78 buộc doanh nghiệp phải ghi mã ngành cấp 4 cho các ngành nghề dự kiến kinh doanh trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Trong khi đó Luật Doanh nghiệp 2015 không yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh.
Trên thực tế, việc ghi mã ngành cấp 4 này khiến doanh nghiệp tốn chi phí và thời gian để tìm kiếm, xác định, nhiều trường hợp dẫn tới việc doanh nghiệp khó hoặc không thể đăng ký, đặc biệt liên quan tới các ngành nghề mới, không biết xếp vào mã ngành nào hoặc có tranh cãi giữa cơ quan đăng ký doanh nghiệp với doanh nghiệp về việc xếp mã ngành.
Liên quan tới chi phí tiếp cận mặt bằng kinh doanh, VCCI cho biết điều tra PCI 2016 cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn đáng kể về tiền thuê đất phục vụ sản xuất kinh doanh (53% gặp khó khăn, trong đó 25% là do giá đất theo quy định của Nhà nước cao và tăng quá nhanh; 35% cho biết giá thuê mặt bằng kinh doanh trên thị trường cao, đặc biệt trong các khu /cụm công nghiệp).
Giải pháp đề xuất của VCCI là Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Nghị quyết 35 về rà soát để điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí liên quan tới đất của doanh nghiệp, báo cáo cụ thể với Chính phủ về các kết quả thực hiện. Đề nghị có chính sách phù hợp với các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng các khu/cụm công nghiệp (ví dụ cơ chế nộp tiền thuê đất hàng năm thay vì cả giai đoạn 40-50 năm), qua đó giảm bớt giá cho thuê đất mà các doanh nghiệp này áp dụng.
Chi phí liên quan tới lao động cũng nằm trong đề xuất của VCCI. Theo đó, mức lương tối thiểu tăng hàng năm liên tục và ở mức cao (năm 2018 tăng 6.5% so với 2017) khiến chi phí sản xuất tăng (đặc biệt với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày... nơi chi phí lương chiếm trên 70% giá gia công sản phẩm).
Phạm vi tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đã mở rộng, bao gồm không chỉ tiền lương mà còn cả phụ cấp, các khoản thu nhập khác...dẫn tới tổng tiền bảo hiểm doanh nghiệp phải nộp tăng cao. Chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí hoạt động của doanh nghiệp (theo Điều tra PCI, tỷ trọng của chi phí tuyển dụng lao động năm 2009 là 1% thì năm 2016 đã là 4.1%); năng suất và chất lượng lao động đầu vào hạn chế khiến chi phí này ngày một gia tăng.
Đề nghị từ VCCI là cần có lộ trình tăng lương tối thiểu hợp lý, có các nguyên tắc về việc tăng lương (ví dụ phải có căn cứ khoa học gắn với tỷ lệ tăng năng suất lao động, chỉ số giá tiêu dùng và tăng trường kinh tế). Xem xét giới hạn phạm vi các khoản thu nhập làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội.
VCCI cũng đề nghị rà soát để giảm bớt các điều kiện đầu tư, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết đối với các cơ sở, đơn vị giáo dục, đào tạo (trong đó có đào tạo nghề), tạo điều kiện để tăng số lượng các cơ sở đào tạo, qua đó tăng nguồn cung lao động có chất lượng cho doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đào tạo, đào tạo lại tại doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.
Với chi phí vận chuyển, logistic, VCCI nhấn mạnh một bất cập hiện nay mà nhiều doanh nghiệp phản ánh là các dự án BOT giao thông có chi phí quá cao, việc xác định thời gian thu phí, mức phí giao thông khi đưa dự án BOT vào hoạt động lại không được giám sát chặt chẽ, dẫn tới tình trạng phí cầu đường quá cao ở một số tuyến giao thông trọng điểm, làm tăng chi phí vận tải của doanh nghiệp.
VCCI đề nghị có quy định bắt buộc đấu thầu cạnh tranh đối với các dự án BOT nhằm lựa chọn nhà đầu tư có mức phí và thời gian thu phí thấp nhất, tăng cường các biện pháp đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động đấu thầu và giám sát thực hiện dự án cũng như việc thu phí.