16:31 22/12/2020

Kiến nghị "điều chỉnh hợp lý" các thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia nước ngoài

AN NHIÊN

Việc đóng cửa biên giới kéo dài đã bảo vệ Việt Nam khỏi tác động tồi tệ nhất của đại dịch Covid toàn cầu, nhưng tác động đến tâm lý kinh doanh, việc triển khai các dự án đầu tư đúng tiến độ

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thuờng niên 2020 tổ chức sáng 22/12, đại diện nhiều cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam kiến nghị cơ chế, chính sách cho các giám đốc, chuyên gia, kỹ sư được nhập cảnh vào Việt Nam làm việc.

Hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, đến nay đã có khoảng 3.000 người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích công việc. Tuy nhiên, những người nước ngoài được nhập cảnh vào Việt Nam theo diện trên phần lớn là các vị trí cấp cao của doanh nghiệp đã sinh sống ở Việt Nam trong một thời gian dài. 

Thực tế cho thấy, việc nhập cảnh đối với các kỹ sư sang Việt Nam ngắn hạn để thi công, vận hành thử dây chuyền sản xuất, giải quyết các vấn đề trước khi sản xuất chính thức vẫn còn rất nhiều hạn chế. JCCI hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp, cơ chế đặc biệt đối với các trường hợp nhập cảnh ngắn hạn như đã kể trên.

Đồng quan điểm, Phòng thương mại Anh quốc tại Việt Nam (Britcham) cho rằng, việc đóng cửa biên giới kéo dài đã bảo vệ Việt Nam khỏi tác động tồi tệ nhất của đại dịch COVID toàn cầu, nhưng đang có tác động đến tâm lý kinh doanh, khả năng thực hiện kinh doanh ở Việt Nam và việc triển khai các dự án đầu tư đúng tiến độ. 

Điều này đang ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và có thể trở thành một bất lợi cạnh tranh đối với Việt Nam khi hạn chế đi lại được giảm bớt trên toàn cầu. 

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đang gặp phải những thách thức lớn khi hoạt động mà không có nhân sự chủ chốt và gia đình, đặc biệt những gia đình có trẻ em đang thấy nhiều nguy hại do tình trạng chia cắt kéo dài. 

BritCham đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ cộng đồng quốc tế tại Việt Nam, mặc dù vẫn còn những thách thức về quy trình và lịch bay. 

Doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam có công ty con trong khu vực đang gặp khó khăn trong quản lý những công ty con này do các yêu cầu cách ly và tình trạng không chắc chắn. Do đó, việc điều chỉnh hợp lý những yêu cầu này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý hoạt động khu vực/quốc tế từ Việt Nam. 

Britcham kiến nghị về việc ưu tiên thiết lập các “bong bóng du lịch” hay “hành lang đường không” đi lại an toàn với các trung tâm tài chính khu vực có vai trò quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là với những quốc gia có thành tích tốt trong kiểm soát Covid như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản. 

“Việc bố trí cho phép chuyên gia kỹ thuật đi công tác ngắn hạn và nhập cảnh vào Việt Nam với thủ tục hợp lý như xét nghiệm, thời gian cách ly ngắn hạn và hạn chế hoạt động trong nước, kết hợp với quy trình nộp hồ sơ hợp lý, bao gồm việc phê duyệt các chuyến bay và loại bỏ việc phê duyệt trực tiếp đối với các chuyến bay cụ thể vào những ngày cụ thể do lịch bay liên tục thay đổi”, Britcham kiến nghị.

Trong khi đó, Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng mong Chính phủ Việt Nam có các phương án hỗ trợ các giám đốc điều hành và nhóm hỗ trợ kỹ thuật của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam làm việc. 

Theo Amcham, an toàn vẫn là ưu tiên hàng đầu, nhưng hiệp hội này mong muốn Chính phủ có thể đưa ra những hướng dẫn, thủ tục đơn giản hơn cho các nhân viên bị mắc kẹt ở nước ngoài có thể nhanh chóng quay trở lại Việt Nam hoặc những người không muốn mạo hiểm rời khỏi Việt Nam vì lo lắng rằng sẽ không được phép quay lại có thể yên tâm công tác. 

Ngoài ra, khi các nhà đầu tư mới đến Việt Nam, họ cũng cần cử nhân sự để khảo sát và đàm phán với các đối tác tại đây. “Vì vậy, chúng tôi cũng hi vọng rằng cánh cửa ngành du lịch có thể mở cửa trở lại - một cách an toàn - để khôi phục ngành khách sạn đang bị tổn thất nặng nề. Sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan Chính phủ, các công ty vận tải và khách sạn là vô cùng quan trọng”, Amcham kiến nghị.