05:00 09/11/2021

Kiến nghị tăng nợ công để có tiền hỗ trợ lãi vay cho doanh nghiệp

Vũ Phong

Đại biểu đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng nợ công để tăng đầu tư tạo ra những đột phá cho phát triển là điều mà nhiều nhà tư bản lớn vẫn thường lựa chọn...

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội)
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn đại biểu thành phố Hà Nội)

Phát biểu tại phiên thảo luận Quốc hội chiều 8/11, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhìn nhận, doanh nghiệp rất cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, do sức khoẻ tài chính còn yếu nên chưa thể chịu được chi phí lãi suất vay cao như thị trường.

DÀNH NGÂN SÁCH ĐỂ CẤP BÙ LÃI SUẤT

Theo ông Cường, với diễn biến hiện tại, các doanh nghiệp và nền kinh tế phải được tăng cường thêm nguồn lực đầu tư theo hai hướng cơ bản.

Thứ nhất, cần có chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát. Vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó để bù đắp được các chi phí lãi vay cao như thị trường, trong khi các tổ chức tín dụng thì đang phải duy trì mức lãi suất để đảm bảo kinh doanh. Đồng thời phải tăng cường trích lập các quỹ dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu đang tiềm ẩn gia tăng.

Nếu ngân sách dành ra khoảng 30.000-40.000 tỷ đồng để cấp bù thì sẽ có được khoảng 1 triệu tỷ tiền vốn lãi suất thấp để giúp đỡ các doanh nghiệp phục hồi.

Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, kèm theo đó phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng "chạy vòng quanh" trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất hoặc không để tiền vốn giá rẻ sẽ đổ vào các lĩnh vực đầu tư tài sản, bất động sản hoặc chứng khoán.

Thứ hai, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công, cần phải có các giải pháp mới, mang tính khác biệt là đặt hàng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư, phát triển các sản phẩm ưu tiên, tạo nên những đột phá trong phát triển.

 
"Kinh tế biển là lĩnh vực nhiều đầy tiềm năng, chưa được khai thác. Chính phủ cần đặt hàng để hình thành nên các tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần, vận tải biển".
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội.

Trong đó, nên tập trung vào lĩnh vực đường sắt do những đô thị lớn của đất nước đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Bên cạnh đó với địa hình đất nước kéo dài, tuyến đường sắt Bắc Nam cần phải phát triển.

"Chúng ta không thể cứ đi vay tiền về để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ. Hệ lụy không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua mà đang để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và phải phụ thuộc lâu dài vào những nhà cung cấp nước ngoài", ông Cường nói.

Ngoài ra, ông Cường cũng chỉ ra hai lĩnh vực khác cần được quan tâm gồm kinh tế biển và hạ tầng công nghệ số. "Nếu được đặt hàng, đội ngũ kĩ sư tin học và công nghệ của Việt Nam thừa sức phát triển được các sản phẩm để khẳng định được vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ số", vị đại biểu đến từ Hà Nội tin tưởng.

ĐỀ XUẤT TĂNG NỢ CÔNG

Về nguồn lực để hỗ trợ lãi suất và đặt hàng các dự án đầu tư mang tính đột phá, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, Việt Nam may mắn đang có dư địa rất lớn để tăng nguồn lực đầu tư khi những năm qua nước ta đã nỗ lực đưa tỷ lệ nợ công xuống thấp còn 43,7% so với mức trần là 60%. Do vậy, nên điều chỉnh tăng mức bội chi ngân sách tăng thêm từ 2-3% so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2-3 năm để có nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá.

Theo ông Cường, việc tăng nợ công để trợ cấp toàn dân như một số nước vẫn làm sẽ là không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, việc tăng nợ công không phải để cho tiêu dùng mà để tăng đầu tư tạo ra những đột phá cho phát triển là điều mà nhiều nhà tư bản lớn vẫn thường lựa chọn.

"Phát hành trái phiếu chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn không chỉ nhằm khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn có tác dụng thu hút các nguồn tiền nhàn rỗi góp phần kiểm soát lạm phát", ông Cường đề xuất và kỳ vọng các giải pháp đặt hàng trên, không chỉ giúp nền kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, theo kịp đà phát triển của thế giới mà còn tạo ra các tập đoàn kinh tế mạnh, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế hùng cường.

Một vị đại biểu khác cũng đến từ đoàn Hà Nội là ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, ở nước ta, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh ở các doanh nghiệp lại chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng cho nên hàm chứa nhiều rủi ro và báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng.

 
"Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ, thực chất sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam, chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc".
Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội.

Vì lẽ đó, dư địa của chính sách tiền tệ là không còn nhiều, cho nên biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Và trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo.

"Tôi hoan nghênh chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2 đến 3% lãi suất cũng như là việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất, theo đề xuất của Bộ Tài chính", ông Lộc nói.

Trong khi đó, đối với gói đầu tư công, ông Vũ Tiến Lộc có một chút lo ngại, mặc dù nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng rất lớn và rất cấp thiết nhưng việc phân bố dàn trải cũng như quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả.

Ông Lộc đề nghị nên thúc đẩy hình thức đối tác công tư, Nhà nước không nên làm một mình. Trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích, các cơ quan nhà nước đừng quá vì an toàn cho mình mà đẩy hết rủi ro và khó khăn về cho người dân và doanh nghiệp trong phương thức này. Đây chính là chìa khóa để Việt Nam có thể thúc đẩy quan hệ đối tác công tư trong thời gian tới, để huy động nguồn lực của toàn xã hội.

Thế nhưng, ông Lộc cũng đưa ra khuyến nghị: "Mặc dù việc thực hiện các gói hỗ trợ tài chính hiện nay là rất cấp bách nhưng tôi vẫn tha thiết đề nghị chúng ta không thể một chút lơ là, nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn cứ phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia để phát huy được sức mạnh của toàn dân, để nền kinh tế nước ta không lỡ nhịp".