17:29 26/11/2021

Kiều hối năm nay ước tính trên 18 tỷ USD

Trong 18 tỷ USD nói trên, thành phố Hồ Chí minh dự kiến trên 6,1 tỷ USD, chiếm 33,7%. Đây là kênh ngoại tệ hỗ trợ cân đối cán cân thanh toán tổng thể và ổn định tỷ giá...

Trong báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD dự báo, Việt Nam đứng thứ tám thế giới và đứng thứ ba trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.

Theo đó, lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay ước tính ở mức 18,1 tỷ USD, cao hơn mức 17,2 tỷ USD năm 2020, khi Việt Nam xếp thứ 11 thế giới về lượng kiều hối.

Ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu WB về An sinh xã hội và Việc làm cho rằng, lượng kiều hối ồ ạt đổ về không chỉ diễn ra tại Việt Nam, mà đây là xu hướng chung tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Các yếu tố đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối ở các quốc gia này chủ yếu đến từ quyết tâm giúp đỡ gia đình kịp thời của người di cư.

“Kiều hối về các nước thu nhập thấp và trung bình (trừ Trung Quốc) được kỳ vọng sẽ vượt tổng giá trị của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và viện trợ phát triển chính thức (ODA) cộng lại trong năm thứ hai liên tiếp”, ông Michal Rutkowski đánh giá.

Còn theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, thị trường kiều hồi vẫn chủ yếu gồm Mỹ , Canada, Châu Úc và Châu Âu… Riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, lượng kiều hối đổ về thành phố đạt 5,1 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

 
Dự kiến, trong năm 2021, lượng kiều hối đổ về TP.HCM sẽ cao hơn so với năm 2020 (6,1 tỷ USD) từ 10% - 12%. Trong khi, đây vốn là địa phương luôn chiếm khoảng 30% - 40% tổng lượng kiều hối của cả nước.

Những năm gần đây, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều theo từng năm. Theo số liệu báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người.

Ông Minh nhìn nhận, trong 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch nên người Việt Nam ở nước ngoài không thể dành quá nhiều tiền cho du lịch hay về nước. Do đó, nguồn tích luỹ của họ có thể cao hơn trước.

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo ông Minh, với nguồn tích luỹ lớn cùng mong muốn hỗ trợ người thân vượt qua dịch Covid-19, nên lượng tiền kiều hối chảy về mới có tốc độ tăng nhanh như vậy.

“Ngoài ra, một lượng kiều hối cũng chảy vào các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước. Điều này không chỉ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung", ông Minh chia sẻ.

Chung quan điểm, Công ty Chứng khoán SSI đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng kiều hối sẽ là nguồn hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán tổng thể. Nhờ vậy, cung – cầu ngoại tệ trên thị trường sẽ tương đối cân bằng trong giai đoạn cuối năm và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định.

Thực tế cũng cho thấy, mặc cho giá USD trên thế giới có biến động như thế nào thì tỷ giá USD/VND vẫn khá bình ổn. Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần giảm giá mua USD nhưng giá USD thị trường liên ngân hàng vẫn liên tục bám sát.

Hiện chốt phiên ngày 25/11, tỷ giá mua giao ngay của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.650 VND/USD. Còn tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng cũng chỉ cao hơn một chút, dừng ở mức 22.672 VND/USD.

Tỷ giá USD/VND khá ổn định trong thời gian qua
Tỷ giá USD/VND khá ổn định trong thời gian qua

Việc nguồn ngoại tệ dồi dào khiến tỷ giá USD/VND xuống mức thấp nhiều năm, không chỉ giúp Ngân hàng Nhà nước gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối. Nó còn giúp Kho bạc Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chi bằng ngoại tệ của ngân sách nhà nước thuận tiện hơn thông qua hoạt động mua ngoại tệ từ hệ thống ngân hàng. Riêng trong 2 đợt chào mua gần đây, Kho bạc Nhà nước đã mua được 400 triệu USD.

Do đó, với vai trò quan trọng, các chuyên gia kinh tế đều đưa ra khuyến nghị rằng, cần phải có những chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn kiều hối từ nước ngoài, các chính sách liên quan đến việc chuyển tiền và nhận tiền phải tiện lợi và mở rộng hơn nữa để tăng cường lượng kiều hối chuyển về theo con đường chính thức. Hơn nữa, Nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ về tâm lý, tình cảm của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi cho Việt kiều về thăm quê hương, đầu tư hoặc thực hiện các hoạt động xã hội khác.